Đào bonsai lên ngôi

Những ngày này, dọc tuyến đường Võ Chí Công, Âu Cơ, Lạc Long Quân, Hà Nội… luôn tấp nập người đến xem và mua bán đào. Hàng trăm cây đào đủ loại đã được những người trồng đào làng Phú Thượng tập kết tại các lán ngay sát làng để phục vụ người dân.

Đào bonsai hình dáng nhỏ gọn, được lòng người mua trong những năm gần đây
 

Mặc dù, đào của làng Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội không nổi tiếng như đào Nhật Tân, nhưng những người sành chơi đào thường tìm đến Phú Thượng vì đào ở đây được trồng trong đất thịt nên đào đượm sắc hồng, hoa bền, chơi được lâu hơn so với đào trồng ngoài đất bãi.

Ngay từ cuối tháng 11 âm, nhiều cây đào đã được người mua đặt cọc.

Gia đình anh Chu Minh Công mỗi năm trồng khoảng 300 gốc đào. Tuy nhiên năm nay, lượng đào tiêu thụ của gia đình tăng khoảng 30% so với cùng thời điểm năm ngoái.

“Năm nay, khách có xu hướng chơi sớm, từ cuối tháng 11 họ đã chơi rồi. Mọi năm tôi chỉ mới bán được mấy chục cây, năm nay bán được hơn 100 cây rồi. Giá năm nay đội lên một chút so với những cây đẹp, còn xu hướng giá vẫn giống giống nhau", anh Chu Minh Công cho biết.

Những năm gần đây, người trồng đào Phú Thượng rất nhạy bén trong nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Sự xuất hiện ngày càng nhiều nhà chung cư, nên thị trường đào cũng có sự dịch chuyển.

Nhiều người trồng đào Phú Thượng cũng đã chuyển hướng sang trồng những cây đào bonsai là những cây thế có kích thước nhỏ, cao khoảng từ 50-90cm.

Vừa tưới nước cho cây, anh Nguyễn Dũng, một người trồng đào chia sẻ: “Đào nghệ thuật phục vụ bình dân, chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân chung cư, nhà nhỏ, tiện ích, ai cũng chơi được. Dân bây giờ toàn nhà nhỏ, nhà bé thì chơi đào bé."

Những cây đào bonsai có giá dao động khoảng từ 900 đến 2 triệu đồng tùy cây, nhưng đến Phú Thượng, nhiều người không khỏi choáng ngợp vì còn có những cây đào thân to, gốc cổ có giá bán từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. 

Cây đào bonsai có giá dao động khoảng từ 900 đến 2 triệu đồng

Anh Công Nghĩa Trường, có hơn 30 năm gắn bó với nghề trồng đào đã mạnh dạn đầu tư lớn vào phân khúc thị trường dành cho các cơ quan, công ty lớn.

Lặn lội lên tận Lạng Sơn, anh Trường thu mua những gốc cây đào cổ hàng chục năm đem về vườn chăm sóc, cấy ghép giống đào của làng Phú Thượng và tạo thế cho cây.

Mỗi năm gia đình anh trồng hàng nghìn gốc đào, nhưng anh chỉ lựa chọn khoảng 250 gốc đào đẹp nhất để bán ra thị trường, đem về doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm:

“Mình có hướng phát triển những cây to, những cây đặt ở hội trường, sảnh to. Trước tết khoảng 2,5 tháng mình cho hết lên trên chậu, sau đó ổn định, mình sẽ bảo hành cho người chơi, không bao giờ héo hoa được nữa, hoa nở rất tự nhiên", anh Công Nghĩa Trường nói.

Người dân Phú Thượng còn đa dạng hóa các mặt hàng đào, như đào thất thốn, đào cắt cành, nhờ vậy mà nghề trồng đào truyền thống đã mang lại doanh thu cho địa phương mỗi năm trên 22 tỷ đồng. 

Ông Hoàng Gia Lượng- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Kiêm giám đốc HTX Việt Nam- Mông Cổ cho biết, những năm gần đây, do Phú Thượng nằm vào vùng quy hoạch đô thị nên diện tích đất nông nghiệp của địa phương đã bị giảm khoảng 80-90%, hiện chỉ còn 75ha và thời gian tới sẽ tiếp tục bị thu hẹp, nhưng chính quyền địa phương sẽ vẫn nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm duy trì nghề trồng đào truyền thống:

 “Một số hộ làm kinh doanh lớn, thậm chí lên tận Sapa, Lào Cai để trồng đào ghép cây. Hiện nay có khoảng diện tích 15ha ở dưới đường điện 110kV quốc gia và phát triển 30ha ở cụm sản xuất số 9,10,11,12 để duy trì làng nghề truyền thống cho địa phương"

Hiện có đến 600 hộ dân của Phú Thượng chuyển dần sang nghề nấu và bán xôi, nhưng những người dân thủ đô vẫn mong muốn, người trồng đào Phú Thượng sẽ vẫn tiếp tục gắn bó và lưu truyền nghề trồng đào truyền thống để người dân có dịp thưởng thức những cây đào thật đẹp mỗi dịp Tết đến xuân về..

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 2/2 tại đây: