Dành cho lái mới: Khi nào nên thay bộ giảm xóc ô tô?

Giảm xóc có nhiệm vụ triệt tiêu, giảm chấn khi xe di chuyển qua các cung đường xấu, ổ gà đem lại sự êm ái, thoải mái cho người ngồi trên xe. Tuy nhiên, sau một thời gian dài sử dụng không thể tránh khỏi những hư hỏng và chảy dầu, vì vậy cần thường xuyên k

Giảm xóc ô tô có 6 loại

Giảm xóc ô tô là trang bị cần thiết giúp xe di chuyển êm ái hơn ở các đoạn đường không bằng phẳng như đường lồi lõm, ổ gà, gờ giảm tốc, khúc cua… Bộ phận này là một phần hệ thống treo của xe, giúp hấp thụ lực lên xe và làm tiêu biến các dao động tự do của lực đàn hồi.

Nguyên lý làm việc của bộ phận giảm xóc là sử dụng chuyển động tịnh tiến của phuộc nhún, để biến động năng thành nhiệt năng rồi đưa vào trong ống thủy lực.

Theo cấu tạo, có thể phân loại giảm xóc thành 6 loại chính gồm: Giảm xóc 2 ông; giảm xóc 1 ống; giảm xóc 2 ông với hơi áp lực; giảm xóc bóng hơi; giảm xóc khí nén – thủy lực và giảm xóc vario.

Tuổi thọ trung bình của giảm xóc ô tô

Phụ thuộc vào điều kiện đường xá mà tuổi thọ của bộ phận giảm xóc có thể cao hay thấp. Thường thì nếu xe lưu thông trên đường bằng phẳng, giao thông thuận lợi, hệ thống giảm xóc sẽ có tuổi thọ khoảng 140.000km. Còn nếu ở đoạn đường xấu, gồ ghề hay phải dừng nhiều vì kẹt xe thì bộ phận này chỉ hoạt động tốt nhất khi vận hành khoảng 80.000km.

Khi nào cần thay bộ phận giảm xóc ô tô?

Trong quá trình vận hành xe, không phải lúc nào bộ phận giảm xóc cũng đạt ngưỡng tuổi thọ như trên mới hỏng. Nếu chủ xe cảm thấy bộ phận giảm xóc xuất hiện một số dấu hiệu sau, hãy thay thế ngay:

Xe bị trượt và chệch hướng: Chỉ cần một tác động nhẹ mà khiến xe bị mất cần bằng và chệch hướng lái, chủ xe hãy mang xe đi kiểm tra ngay, đây là dấu hiệu cho thấy cần phải thay bộ giảm xóc mới.

Xe bị lắc lư, rung mạnh: Vai trò của bộ phận giảm xóc là hấp thụ lực, các dao động, rung hoặc xóc. Nếu chủ xe cảm nhận rõ các rung động truyền đến tay lái rõ rệt khi đi trên các đoạn đường nhiều ổ gà, thì nên xem xét đưa xe đến gara để kiểm tra.

Khi phanh gấp đầu xe bị nhún mạnh: Khi đầu xe bị nhún mạnh do phanh gấp có thể giảm khả năng kiểm soát tay lái của chủ xe và gây nguy hiểm cho bản thân người sử dụng cũng như những người xung quanh. Do vậy, chủ xe nên đưa xe đi kiểm tra lại bộ phận giảm xóc.

Lốp mòn không đều: Khi kiểm tra lốp mà nhận thấy bánh lốp bị mòn nhưng không đồng đều, mà mòn theo từng vị trì thì là do giảm xóc hoạt động yếu hoặc hư hỏng. Lúc này, độ bám đường của lốp kém, tiềm ẩn nguy hiểm cho chủ xe cũng như mọi người trong xe.

Chảy dầu và phát ra tiếng kêu: Dấu hiệu này dễ nhận biết nhất, và nó ám chỉ bộ phận giảm xóc đã đến lúc cần thay thế. Bởi khi chạy qua những đoạn đường xấu, xe sẽ phát ra tiếng lọc cọc, dấu hiệu này cho biết bộ phận giảm xóc xe đã bị hở phớt và chảy dầu thủy lực.

Kiểm tra bằng cách nào?

Việc nắm bắt tình trạng của bộ phận giảm xóc sẽ giúp chủ xe chủ động hơn khi vận hành ô tô, cũng như đưa ra những biện pháp phòng tránh kịp thời. Chủ xe có thể tham khảo một số cách sau để thực hiện tại nhà.

Kiểm tra bằng mắt: Chủ xe có thể quan sát bằng mắt thường để tìm những chỗ bị rò rỉ, nếu thấy các dấu hiệu này sau mang xe đến gara để kiểm tra và sửa chữa. Khi giảm xóc hoạt động với tần suất lớn, lò xo sẽ rất nhanh bị hư hỏng, có thể bị gẫy và không còn đàn hồi nữa. Ống nhún sử dụng dầu thủy lực để hấp thụ và triệt tiêu các dao động, nếu các phớt làm kín bị hỏng thì dầu thủy lực sẽ rò rỉ ra ngoài, khiến bộ phận giảm xóc hoạt động không được trơn tru.

Kiểm tra phần đầu xe: Hãy sử dụng một lực ấn phần đầu xe xuống hoặc đặt đầu gối lên phần cứng của cản xe và nhún nhảy xuống, nếu xe không bật lên có nghĩa giảm xóc đã hỏng, hoặc có vấn đề.

Quan sát đằng trước xe: Khi đỗ trên nền phẳng hãy quan sát phần đầu xe, nếu độ cao của 2 bên bánh xe trước không giống với thông số tiêu chuẩn, có thể các lò xo giảm xóc hoặc thành phần nào đó của hệ thống treo đã bị gẫy, hư hỏng.