Đang di chuyển, ô tô cảnh báo quá nhiệt thì phải làm sao?

Động cơ xe nóng, có thể do thiếu nước làm mát hoặc bị rò rỉ nhưng vẫn có thể kiểm soát tình hình bằng những bước kiểm tra đơn giản...

Những bước xử lý cơ bản khi ô tô cảnh báo quá nhiệt lúc đang chạy trên đường

Khi đang điều khiển phương tiện trên đường, bất chợt hệ thống làm mát của xe trục trặc sự cố khiến động cơ trở nên nóng dần, lúc này kim đồng hồ kiểm soát nhiệt độ động cơ báo ở vạch đỏ - đấy là mức nguy hiểm, cỗ máy của bạn đang rất nóng. Vậy nếu rơi vào trường hợp này thì cần phải xử lý như thế nào?

Việc di chuyển trên đường thì thường sẽ có 2 trường hợp xảy ra: 1 là nếu các bạn có thể dừng xe an toàn và 2 là nếu bị bắt buộc phải đi tiếp thì cần xử lý thế nào?

Trường hợp 1: Nếu có thể dừng xe an toàn

Dấu hiệu nhận biết rõ nhất là khi kim chỉ nhiệt độ của động cơ quay tới chữ H (Hot), lái xe cần lập tức kiếm chỗ để tấp vào lề đường một cách an toàn và tắt máy để động cơ nguội lại. 

Lưu ý, đối với những ngày nắng nóng, các lái xe cần thường xuyên theo dõi kim chỉ đồng hồ, nếu thấy có dấu hiệu hơi nước bốc lên từ nắp capo thì phải dừng xe lại ngay lập tức. Sau đó mở lắp capo để tạo khoảng trống cho hơi nóng từ động cơ thoát ra ngoài.

Bên cạnh đó, việc mở nắp két nước lúc này là điều tối kị, bởi nhiệt độ cao sẽ khiến áp lực của nước trong két rất lớn, khi mở nắp ra có thể khiến nước phun trào ra gây bỏng.

Tắt máy, mở nắp ca-pô cho thoát nhiệt nhanh hơn

Sau khi mà động cơ và hệ thống làm mát đã nguội, lúc này các lái xe có thể mở nắp két nước để kiểm tra. Đa số các xe đều có bình chứa nước dẫn vào két nước, do vậy quan sát bằng mắt thường cũng có thể biết được mức nước đang ở đâu.

Nếu như xe có bình chứa, hãy đổ đầy lượng dung dịch làm mát nhưng tuyệt nhiên phải đợi cho hệ thống làm mát nguội hẳn rồi mới đổ thêm vào; còn trong trường hợp không có dung dịch làm mát thì cũng có thể thay thế bằng nước sạch.

Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp xe bị nóng do hệ thống làm mát bị rò rỉ ở đường ống, đầu xi-lanh hay các lá mỏng ở két nước bị đá văng lên…

Gọi cứu hộ nếu không xác định được nguyên nhân

Nếu đơn thuần xe chỉ bị thiếu nước làm mát và đổ đầy trở lại là di chuyển được tiếp thì không sao, nhưng nếu xe cạn khô nước mát mà không xác định được nguyên nhân thì cần phải gọi ngay đến số cứu hộ. Nhưng nếu không thể yêu cầu trợ giúp nào thì phải làm sao?

Trường hợp 2: Bắt buộc phải lái xe đi tiếp

Nếu trường hợp bắt buộc phải tiếp tục cuộc hành trình trong tình trạng xe quá nóng thì cần phải tuân thủ những bước sau đây:

- Tắt A/C (chế độ làm mát) và chuyển sang chế độ nóng. Việc bật chế độ nóng/sưởi lên hết cỡ, mở quạt to nhất sẽ giúp hút nhiệt ra khỏi khoang động cơ nhanh hơn. Nếu cứ để chế độ làm mát sẽ khiến động cơ nóng hơn. Đây chỉ là một giải pháp khắc phục tạm thời nếu lái xe quãng đường ngắn.

- Không được di chuyển liên tục. Việc di chuyển trong tình trạng động cơ nóng, hiển nhiên sẽ không đi xa được như lúc xe ở tình trạng bình thường. Tần suất nghỉ từng chặng sẽ phải chia ra nhiều hơn.

Nếu xe có bình chứa, hãy đổ đầy lượng dung dịch làm mát, nếu trường hợp khẩn cấp không có dung dịch làm mát có thể thay bằng nước sạch

- Tắt động cơ những không ngắt điện. Việc không ngắt hệ thống điện để máy sưởi tiếp tục làm việc, sẽ giải phóng lượng khí nóng nhanh hơn ra khỏi động cơ.

- Đi với tốc độ vừa phải. Việc phóng nhanh, dừng nhanh sẽ khiến động cơ càng nóng thêm; do đó, cần phải di chuyển với tốc độ vừa phải.

- Tránh đi vào đường đông. Việc đi vào đường đông trong tình trạng xe đang bị nóng sẽ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn vì thời gian di chuyển lâu hơn và không tận dụng được gió mát. Nếu vào đường đông, cần tấp xe vào lề và đợi đến khi hết tắc đường.