Dán decal/tem xe có bị phạt không?

Đó luôn là câu hỏi thắc mắc khi bạn có ý định muốn thay đổi tem và màu sắc zin của xe. Vậy dán như nào cho đúng quy định và không bị CSGT xử phạt?

Dán decal/tem xe như thế nào cho hợp lý để không bị xử phạt

Trong những năm gần đây, xu hướng dán decal đổi màu cho xe ô tô đặc biệt là siêu xe đang rất được ưa chuộng. Đây là phương pháp đơn giản nhất để trang trí, làm đẹp cho chiếc xe mà không phải tác động vào phần cứng.

Có rất nhiều cách dán decal từ mạ chrome bóng loáng đến nhám mờ kim loại đều được áp dụng nhằm tạo sự khác biệt.

Tuy nhiên, việc dán decal như thế nào cho đúng quy định và không bị cảnh sát giao thông xử phạt vẫn là điều mà nhiều người chưa biết, hãy điểm qua những lưu ý sau:

Không dán decal hoặc tem trùm phủ toàn bộ thân xe vì quy định tại khoảng 2 điều 55 Luật GTĐB 2008 có quy định: Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp muốn thay đổi màu sắc nguyên bản, chủ xe phải đến cơ quan quản lý làm thủ tục đổi màu sơn xe. Decal dán phải trùng với màu sơn đăng ký, tốt nhất là tem trong hoặc nilong không màu.

Theo Nghị định 46 có hiệu lực từ 1/8/2016, việc độ xe, thay đổi cấu trúc xe, sáng tạo xe cũng sẽ có nguy cơ bị tịch thu luôn mà không cần phải giải thích. Theo đó, lái xe loại sản xuất, lắp ráp trái quy định cũng được quy vào tội phải thu giữ phương tiện.

Đây có lẽ là đòn đánh chí mạng vào giới chơi xe độ tại Việt Nam. Việc dán decal, nâng cấp động cơ hay thay đổi ngoại hình, âm thanh...cũng có thể quy vào tội sản xuất, lắp ráp trái quy định. Nếu chỉ dán tem trong, hoặc dán tem logo, tem xương cá, tem vành... thì không bị phạt, nhưng nếu dán decal thay đổi màu toàn bộ hoặc sơn tem airbrush thì sẽ bị phạt.

Quy định về việc xử phạt đối với hành vi tự ý thay đổi màu sơn xe không đúng với màu sơn đã ghi trong Giấy đăng ký xe với mức phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân và 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô.

Điều này cũng được áp dụng tương tự đối với xe môtô, xe gắn máy: phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với Giấy đăng ký xe; không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định.