Đại học Bách khoa Hà Nội ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo

Việc ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ nhân tạo - AI là sự kiện đầu tiên khởi động triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải ph

Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ nhân tạo - AI

Sáng ngày 31/3, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chính thức ra mắt “Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ nhân tạo - AI”. Trung tâm này được thành lập theo mô hình trung tâm nghiên cứu quốc tế hỗn hợp với sự chung tay của Đại học Bách Khoa Hà Nội và tập đoàn NAVER (Hàn Quốc) sẽ cùng đầu tư xây dựng và vận hành trung tâm vì mục đích phát triển nghiên cứu nền tảng chuyên sâu, và đào tạo nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực AI.

Trong mục tiêu dài hạn, Trung tâm sẽ là nơi kết nối các đơn vị nghiên cứu về AI trong phạm vi cả nước, cũng như tăng cường liên kết và hợp tác với các trung tâm AI hàn lâm và công nghiệp mạnh trên thế giới. Hoạt động này không những triển khai các nghiên cứu cơ bản tạo ra các công nghệ lõi “Make in Vietnam”, mà còn chú trọng đến phát triển ứng dụng AI trong các ngành, các lĩnh vực khác nhau để đẩy nhanh quá trình Chuyển đổi số và phát triển Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định: “Việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo thể hiện mạnh mẽ quyết tâm của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong phát triển nghiên cứu và đào tạo trình độ cao trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Được biết, hiện Trung tâm có hơn 50 nhà khoa học của Đại học Bách Khoa Hà Nội và một số chuyên gia hàng đầu đến từ các trường/viện và tập đoàn công nghệ trong các lĩnh vực liên quan đến AI và ứng dụng. Phạm vi nghiên cứu của Trung tâm bao gồm công nghệ học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, tối ưu hoá, mạng thông nh, tin học y sinh, công nghệ phần mềm thông nh…

Việc ra mắt Trung tâm là sự kiện đầu tiên khởi động triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, trước mắt cần đưa trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng trong 3 lĩnh vực, gồm: an ninh quốc phòng, chăm sóc sức khoẻ người dân và quản lý tài nguyên môi trường.

“Với 3 lĩnh vực trên sẽ là nền tảng mà Chính phủ Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương sẽ đặt hàng các doanh nghiệp, các nhóm nghiên cứu xây dựng ứng dụng và từ đó vươn ra thế giới”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy khẳng định.

Để làm được điều đó, Việt Nam cần xây dựng được 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực; phát triển 3 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; kết nối được các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ AI.

Các Đại biểu cắt băng khánh thành Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ nhân tạo

Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ nhân tạo được thành lập đã chính thức là thành viên của Hệ thống NAVER Labs toàn cầu. Thông qua hợp tác này, Tập đoàn NAVER sẽ tài trợ/đặt hàng các đề tài nghiên cứu, mời các chuyên gia trong mạng lưới NAVER Labs từ Châu Âu Sang trao đổi học thuật và thực hiện các dự án, cũng như cung cấp học bổng cho sinh viên sang thực tập tại các Labs trong mạng lưới.

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Choi In Hyuk - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn NAVER cho biết, Tập đoàn Naver Corp rất ấn tượng trước sự phát triển của ngành công nghệ thông tin Việt Nam trong những năm qua và thấy rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng mở rộng đào tạo nhân tài cấp cao về trí tuệ nhân tạo.

"Cùng với việc xây dựng “Vành đai nghiên cứu AI toàn cầu”, NAVER sẽ giành nhiều tâm huyết trong việc hợp tác với Đại học Bách Khoa Hà Nội để phát triển Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ nhân tạo trở thành một trong những trung tâm mạnh, qua đó tạo ra các sản phẩm AI có thể cạnh tranh với các công ty công nghệ lớn ở Mỹ và Trung Quốc”, ông Choi In Hyuk chia sẻ.

Đối tác NAVER của Trung tâm là một trong những Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, và được mệnh danh là “Google của Hàn Quốc”. Tại Hàn Quốc, Naver có sức ảnh hưởng rất to lớn trong việc phát triển hệ sinh thái AI trong giáo dục, y tế, giao thông vận tải…