Đại biểu Quốc hội: 'Thu giá' BOT là 'rất khó hiểu'?

VOVGT-“Thu giá” là một khái niệm hoàn toàn vô nghĩa trong tiếng Việt, nhưng lại được sử dụng ở trạm thu phí giao thông đường bộ?


"Thu giá" khiến người dân khó hiểu

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Mới đây bên hành lang Quốc hội Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã đề cập đến việc các trạm thu phí BOT trên toàn quốc được đổi tên thành "trạm thu giá" đang gây xôn xao dư luận.

“Thu giá” là một khái niệm hoàn toàn vô nghĩa trong tiếng Việt, nhưng lại được sử dụng ở trạm thu phí giao thông đường bộ? Nhiều người đặt câu hỏi: Liệu đây có phải là chiêu mà Bộ Giao thông dùng để lách qua những quy định của Luật Phí và lệ phí.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, theo quy định hiện hành, phí là khoản người dân phải trả khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, trong khi BOT là sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp nên mới có sự chuyển đổi cách gọi sang thu giá (giá sử dụng đường bộ). Việc đổi tên này không có gì khác mà giúp linh động hơn trong việc điều chỉnh các hoạt động, trong đó có việc tăng và giảm giá thu phí của các trạm. 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội nhận định, thông tin mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đưa ra như vậy khiến nhiều người cho rằng, đó là sự đánh tráo khái niệm. Nên dùng đúng từ là thu phí, vì bản chất khi lưu thông trên đường, người tham gia giao thông phải trả phí theo đúng quy định của nhà nước: 

 

"Dùng từ “thu giá”trước hết là rất khó hiểu, thậm chí là dễ bị hiểu lầm. Giá tức là có giá để mà thu phí. Đừng dùng cái đó để giấu giếm một cái gì đó".

Một số đại biểu thì cho rằng, theo quy định của pháp luật, một tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công thì có thể thu phí để bù đắp các chi phí. Tuy nhiên, việc thu phí chỉ hợp pháp, khi khoản phí như vậy được đưa vào Danh mục phí được ban hành kèm theo Luật. 

Tuy nhiên, phí BOT không có trong Danh mục này. Đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau nêu thực tế, thời gian qua, đa số người dân tham gia giao thông phản ứng về mức giá chứ không phải ứng về tên gọi. Trong câu chuyện này, thỏa thuận của nhà đầu tư với người chấp nhận dịch vụ  chính là chi phí người tham gia giao thông bỏ ra có hợp lý không so với mức đầu tư của nhà đầu tư. Chỉ có những chỗ các doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư để dân có sự lựa chọn tốt hơn thì lúc đó mới được thu tiền, có thể gọi bằng phí hay từ nào đó thuần việt, chứ không được gọi là thu giá, là từ tối nghĩa:

 

"Bộ giao thông phải xem xét lại mình, tiếp thu ý kiến của dư luận xem việc dùng ngôn ngữ của mình đã đúng chuẩn mực chưa, vì sao lại phải ứng và phản ứng vì mục đích gì. Điều dễ nhận thấy là người ta phản ứng vì sự trong sáng của tiếng việt, sự chuẩn mực về ngôn ngữ pháp lý. Nếu nhìn nhận khách quan, tiếp thu thì chỉ có lợi cho bộ giao thông thôi."

Đại biểu Lưu Bình đoàn Bến Tre phân tích, bản chất của việc người dân trả tiền khi đi trên những con đường do các doanh nghiệp đầu tư là phí giao thông. Có gọi bằng tên nào khác thì bản chất đó cũng không thay đổi. Việc đổi tên một loại hình công trình nào đó là thẩm quyền của Quốc hội.

Nếu là Chính phủ thì phải quy định bằng Nghị định chứ không phải của Bộ Giao thông – Vận tải. Phải xác định loại hình đó là cái gì, có nằm trong Luật phí và lệ phí hay không. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói:

 

"Việc sử dụng tên như vậy có nghĩa là các cơ quan Nhà nước đang có sự lúng túng. Ở đây người dân đang trả tiền dịch vụ. Khi người ta trả tiền dịch vụ thì anh phải định nghĩa nó là cái gì. Tôi trả tiền cho dịch vụ được đi qua đi lại, chứ tôi có mua đường đâu. Nếu tôi mua đường thì anh phải cắt cho tôi từng ếng bê tông chứ. Nếu nói giá là người ta phải được quyền sở hữu"