Đặc sản tôm hồng Hồ Tây: Đi cùng năm tháng

VOVGT - Tôm Hồ Tây có loại tôm hồng, cũng là đặc trưng của Hồ Tây, thân thuộc với nhiều người Hà Nội.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Tôm hồng là một đặc sản thân thuộc với nhiều người sinh sống tại hồ Tây qua nhiều đời nay. Đặc biệt những ai đã từng được thưởng thức món bánh tôm trên đường Cổ Ngư, với bánh bột rán bên trên, điểm mấy con tôm mới đánh ở hồ lên, được cảm nhận vị tươi ngọt của tôm, bánh rán mỡ bùi béo ăn cùng rau sống, nước mắm dấm ớt, thì không thể quên được.

Sau này khi người ta bắt đầu nuôi cá mè ở hồ Tây thì những giống tôm cá xưa ít dần hơn. Tôm cá không đủ chỗ kiếm ăn lại thêm nước thải sinh hoạt, nhà hàng, chất thải của những xí nghiệp giấy, nhuộm ở khu dân cư làng xóm ven Hồ Tây ảnh hưởng đến sinh trưởng của nhiều loài sống trong hồ.

Khi nhắc về nguồn tôm phong phú của Hồ Tây xưa kia, nhiều người vẫn cảm thấy tiếc nuối:

 

Hồ Tây có nhiều sản vật quí và hiếm như chim sâm cầm, cá chép vàng, ốc bươu, tôm hồng. Trong đó tôm hồng là một nguyên liệu chính để làm bánh tôm, vì vậy mà có món bánh tôm Hồ Tây, vừa là tôm của Hồ Tây, vừa là món ăn được ăn ngay bên bờ Hồ Tây. Món ăn này đã trở thành kỷ niệm của nhiều thế hệ, nhiều người đi xa Hà Nội, xa đất nước.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ về sự ra đời của món bánh tôm Hà Nội:

 

Bánh tôm Hồ Tây đã trở thành kỷ niệm của nhiều thế hệ con người sinh sống tại Hà Nội

Trong tài sản ẩm thực Hà Nội thì bánh tôm ra đời muộn - vào khoảng những năm 30 thế kỷ trước. Ban đầu đây chỉ là món ăn chơi bình dân thời bao cấp, về sau này bánh tôm Hồ Tây mới trở lên nổi tiếng. Sự nổi tiếng này cũng một phần nhờ quán nằm ở ven Hồ Tây, một trong những địa danh lãng mạn nhất Hà Nội.

Lên Hồ Tây ăn bánh tôm hay ăn bánh tôm ở Hồ Tây trở thành khẩu ngữ quen thuộc không chỉ với rất nhiều người Hà Nội mà cả người tỉnh xa có cơ hội về Thủ đô. Một suất bánh tôm có 5 chiếc, mỗi chiếc 3 hào, ăn kèm với bia hơi 3 hào/cốc. Tính ra không rẻ, nhưng ngon, được ngắm cảnh đẹp, lại hưởng gió hồ mát rượi, nên khách ăn vẫn xếp hàng rất đông, nhiều lúc phải đợi chiên bánh cả tiếng đồng hồ.

Ăn bánh tôm không cần bún, vì không phải là món quà để ăn no. Nó ngon hơn bánh tôm làm lấy ở nhà chính là vì không khí gợi mở trong thiên nhiên cây cỏ trời nước của Thanh Niên. Tiếc là ít lâu nay, bánh tôm Hồ Tây được sản xuất đại trà, nên đã bị biến chất đi ít nhiều, mà dễ nhận thấy là mất đi những thỏi khoai lang trộn lẫn trong bột mì, nên ếng bánh, kém giòn, kém thơm, mất đi cái ý vị riêng mà nó đã làm thành món bánh có cái duyên đặc biệt Hà Nội.

Thời bao cấp, quán bánh tôm Hồ Tây là nơi liên hoan lý tưởng cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, là nơi hẹn hò của nhiều mối tình đầu đời, nơi chia ly giữa một cô gái Hà Nội và một anh lính ngày mai ra trận... Trong ba lô của anh lính ấy, có thể là bức ảnh ở Bánh tôm Hồ Tây.

Trong cái se se lạnh của gió heo may đầu thu, ăn bánh tôm lại ngắm không gian bao la của mặt hồ Tây, ta sẽ thấy lòng thanh thản, ấm áp. Phải chăng sự thanh bình của khộng gian sống nước đã quyện vào hương vị của ếng bánh để làm nên một món ăn nổi tiếng đát Hà thành - món bánh tôm hồ Tây.

Ngày nay, món bánh tôm Hồ Tây được bán nhiều và đông khách nhất vẫn phải kể đến nhà hàng nằm ở vị trí được coi là đẹp nhất Hà Nội, trên chính con đường Thanh Niên. Nhà hàng luôn đông khách vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày và cũng được coi là nơi lý tưởng để vừa thưởng thức món ngon này, vừa có thể thả mình thư giãn theo những làn gió ven Tây Hồ.

Bánh tôm Hà Nội ngon nhất là thưởng thức khi bánh còn nóng bởi lúc đó bánh vẫn còn giữ được độ giòn, tôm cũng không bị tanh như khi để nguội. Ăn kèm với bánh tôm còn có nước chấm, dưa góp và một ít rau sống, có thể thêm bún rối và rất hợp với bia.

 Nánh tôm Hồ Tây như một sự kết tinh, một nét đẹp ẩm thực đã có từ lâu đời

Món ăn này không chỉ thích hợp cho những ngày trở lạnh mà còn phù hợp trong những ngày Hà Nội mơn man gió hè. Những cơn mưa phùn hay những ngày nắng bất chợt, ngồi bên Tây Hồ, thưởng thức bánh tôm Hồ Tây thì quả là một thú vui có thể xua tan bao mệt mỏi ngày thường.

Tinh hoa ẩm thực Hà Nội có lẽ có nhiều nhưng trong số đó chúng ta phải kể đến món bánh tôm Hồ Tây như một sự kết tinh, một nét đẹp ẩm thực đã có từ lâu đời của những con người yêu thích sự mới mẻ nhưng cũng không kém phần cổ xưa.

Trước đây, hồ Tây thuộc phần ngoại thành, quanh hồ là làng mạc cây cối sum xuê, bãi cỏ dại, bè ngổ bè dứa; phía tây hồ trải rộng ra xa là những cánh đồng lúa bát ngát của Xuân Tảo, Bái Ân; phía bắc hồ là con sông Hồng khá lớn, mùa cạn thì bãi cát chạy dài tít tắp, bãi dâu bãi ngô bạt ngàn, mùa nước thì sóng vỗ cuồn cuộn chảy một khối lượng nước lớn; tất cả đã tạo một môi trường sinh sống thuận lợi cho tôm cá trong hồ phát triển.

Nghề chài lưới đi đôi với nghề cày cấy, trồng màu, làm vườn và một số nghề thủ công dệt, giấy. Trong thời thuộc Pháp, chính quyền đặt lệ đấu thầu đánh cá, chủ thầu là người Pháp, họ cho nhiều người Việt Nam thầu lại. Có người thầu thì có người canh giữ không cho ai dám trộm cá; dân làng ven hồ chỉ là những người đánh cá thuê cho chủ thầu.

Sau năm 1958, Quốc doanh nuôi cá hồ Tây được thành lập, là của chung của xã hội chủ nghĩa, người quốc doanh không canh giữ nổi.

Sau thời bao cấp, cuộc sống cư dân Hồ Tây thay đổi, nhà cửa, khu du lịch được xây mới nhiều, khu du lịch nhà nổi trên hồ cũng làm ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của tôm cá. Một người dân sống tại đây chia sẻ:

 

Tôm Hồ Tây hiện nay không còn nhiều như trước hay những đặc điểm sinh thái tự nhiên của mặt nước Hồ Tây cũng bị biến đổi ít nhiều, khiến cho không chỉ những đặc sản mà cả cảm nhận, cảm xúc của con người về không gian Hồ Tây cũng khác xưa.