Của cho không bằng cách cho

Những ngày vừa qua, khi chứng kiến những cá nhân, cộng đồng lên vùng cao hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi - bão số 3, một điều rất dễ nhận thấy, đó là sự nhiệt tình, tận tâm và sự chia sẻ sâu sắc của họ...

Không ai bảo ai, khi đồng bào gặp khó khăn, tất cả đều muốn chung tay, góp một phần công sức của mình. Người ít, người nhiều, nhưng những sự hỗ trợ ấy, đang trở thành phong trào mạnh hơn bao giờ hết, với tinh thần “lá lành đùm lá rách”… dần dần giúp những nơi người dân gặp hoạn nạn ổn định lại cuộc sống của mình.

Hầu hết những đoàn thiện nguyện đều do một vài cá nhân đại diện chịu trách nhiệm quyên góp, vận chuyển đồ do những nhà hảo tâm gửi tặng. Sau đó họ sẽ tiến hành đến những điểm cần được giúp đỡ (đã khảo sát trước) để trao quà.  Và chẳng mấy ai trong số họ cần và cũng không có suy nghĩ phải “đánh bóng tên tuổi”, việc làm của mình bằng những hình ảnh, những khẩu hiệu ồn ào rồi đăng tải lên mạng xã hội.

Thế nhưng, bên cạnh đó, cũng có những chuyện “phiền lòng” mà chỉ những người trực tiếp đi làm cái công việc mà thiên hạ thường bảo là “bao đồng” ấy mới phải gặp và gặp phải. Có những tổ chức, cá nhân bên cạnh đóng góp của mình, thường đưa ra những “yêu cầu” trái khoáy, như phải in biển tên của họ rồi chụp ảnh phần quà họ quyên tặng với người được nhận, để về đăng lên mạng xã hội.

Hay có những người trực tiếp đi làm cũng vậy, phần lớn thời gian họ dành ra để chụp ảnh, quay phim những việc họ làm, như một cách làm tăng thêm độ “uy tín” trước cộng đồng về việc làm “từ thiện” của mình.

Những ngày này, cụm từ “phông bạt” được người ta nhắc đến nhiều, chủ yếu sau sự việc UB TƯMTTQ công bố danh sách những tập thể, cá nhân quyên góp ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng sau cơn bão số 3 vừa qua…

Thế là lộ ra rất nhiều cá nhân, tổ chức “khai khống” con số thực tế mình quyên góp lên gấp hàng chục lần, như nhiều người sau đó bị phát hiện ra việc làm ấy, là để đánh bóng tên tuổi, “sống ảo” trên mạng xã hội.

Sự hỗ trợ đến tay đúng người cần, vào đúng thời điểm là điều quan trọng

Khi đồng bào gặp khó khăn, mỗi đóng góp, dù ít, dù nhiều, dù chỉ 1 ngàn đồng hay tiền tỷ đều có giá trị và đáng quý, đáng trân trọng. Có những em bé nhịn tiền mua quà, tiền ăn sáng để ủng hộ đồng bào bão lụt, số tiền tuy ít ỏi nhưng chúng ta luôn cảm thấy xúc động khi được nhìn thấy những phần đóng góp đó. Bởi hơn hết, nó thể hiện một điều, thế hệ trẻ, tương lai của chúng ta, đang được giáo dục rất tốt.

Ngược lại, dù đóng góp tiền triệu, tiền tỷ, nhưng phải ồn ào, phải truyền thông, phải làm đủ mọi cách để tên tuổi mình nổi bật nhất… cũng gần như chẳng nhận được một đánh giá tích cực nào với những việc làm ấy.

Người ta bảo, “của cho không bằng cách cho” là như vậy.

Có một chuyện không biết nên vui hay buồn... Sau cơn bão số 3, chúng tôi có dịp đi cùng một đoàn với mục đích mang quà lên tặng đồng bào ở Cao Bằng, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng khá nặng nề. Trước đó, qua tìm hiểu ở địa phương, được một đơn vị gửi hình ảnh và thông tin về thiệt hại tại một xã nằm khá sâu trên địa bàn. Mất nhiều giờ đồng hồ, xe chúng tôi mới đến được điểm cần tặng quà.

Ấy thế nhưng, khi đến nơi, cuộc sống của bà con nơi đây khi tìm hiểu thì hầu như không bị ảnh hưởng bởi bão lụt, và về cơ bản hầu hết đều có cuộc sống khá sung túc.   

Có lẽ, những người chịu trách nhiệm ở đơn vị nọ tại địa phương, cũng chỉ nghĩ đơn thuần rằng, cứ có đoàn hỗ trợ lên là dẫn đi phát, mà không cần biết ai cần, ai chưa? Hoặc giả, để có một báo cáo tổng kết nào đó, vào một dịp nào đó sau này, cho đẹp công việc của họ?...

Sau khi tìm hiểu kỹ, đoàn chúng tôi quyết định không tặng quà cho nơi ấy. Cả đoàn với gần chục tấn hàng cứu trợ, đành xin lỗi bà con và tìm một địa điểm khác, ở tỉnh khác, gặp khó khăn thật sự để mang quà đến đúng nơi cần. Dù sự thay đổi ấy, đã khiến chúng tôi phải đi thêm gần một ngày di chuyển trên những cung đường núi quanh co, hiểm trở, với rất nhiều đoạn đường bị sạt lở, nguy hiểm hơn.

Nhưng, kết quả đáng vui, là cuối cùng tấm lòng của những người sẵn sàng quyên góp, mà đoàn được tin tưởng giao phó nhiệm vụ, đến được đúng với những người đang cần sự trợ giúp ấy.

Cơn bão số 3 đi qua, để lại những hậu quả rất nặng nề cho nhiều địa phương, tỉnh thành… Những sự mất mát về vật chất rồi chúng ta, với sự chung tay của cộng đồng, và nỗ lực của Chính phủ sẽ vượt qua được. Nhưng sự mất mát về sinh mạng, của hàng trăm gia đình, thật không gì có thể bù đắp. Nỗi đau này, sẽ còn mãi…

Chính vì thế, có lẽ khi quyết định làm một điều gì đó cho đồng bào, hãy bỏ qua những suy nghĩ ích kỷ, cá nhân, làm bằng chính cái tâm của mình, không cần bất kỳ một sự ghi nhận nào, ngoài sự thanh thản của bản thân. Khi ấy, những việc làm đó, mới có ý nghĩa…