Công viên, khu vui chơi đìu hiu mùa dịch

Sau thời gian tạm đóng cửa do giãn cách xã hội, các công viên, khu vui chơi tại Hà Nội, TP.HCM đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, tâm lý e ngại trước sự phức tạp của dịch bệnh khiến các điểm vui chơi vẫn khá “đìu hiu”, còn doanh nghiệp, đơn vị quản lý gặp v

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Công viên Thủ Lệ, Hà Nội không còn náo nhiệt như thời điểm trước dịch

Chiều cuối tuần tại Công viên Thủ Lệ, Hà Nội, không khí tĩnh lặng bao trùm khuôn viên rộng hơn 28ha với chỉ đôi ba chục khách tham quan.

Anh Đào Duy Anh, ở Nam Từ Liêm, cùng vợ và con trai đi chơi vườn thú. Sự vắng vẻ khiến anh bớt lo ngại về dịch bệnh, bên cạnh các biện pháp như: đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, quét mã QR,… đã được công viên thực hiện: 'Mình thấy đợt này ít đi, ít đi nhiều luôn! Ngày trước mình đi rất là đông, bây giờ chỉ lác đác. Ở đây mình thấy phòng, chống dịch ổn, tự bảo vệ bản thân là chính thôi. Công tác phòng, chống dịch ở các địa điểm vui chơi cũng chỉ đến thế này thôi, vì chặt quá thì cũng không ai đi được cả'.

Khách tham quan có thể thích hoặc không thích không gian vắng vẻ, còn các đơn vị quản lý đều “thở dài” trước những khó khăn. Ông Nguyễn Công Nghiệp, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội cho biết, hơn 5 tháng dừng hoạt động đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu của công ty, giảm khoảng 70% so với trước dịch, trong khi đời sống cán bộ, công nhân viên và nghĩa vụ ngân sách vẫn được đảm bảo thực hiện:

'Công tác kiểm tra, sửa chữa, chống xuống cấp của cơ sở vật chất, chuồng trại, các thiết bị vui chơi dịch vụ, công tác phòng, chống cháy nổ, công tác chăm sóc đàn động vật, chăm sóc vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ được duy trì đúng quy trình kỹ thuật. Do dịch bệnh COVID-19, công ty cũng đề nghị xin được ễn, giảm, giãn các khoản nộp cũng như thuế đất, bảo hiểm xã hội,…' ông Nghiệp cho biết.

Trang thiết bị vui chơi 'phơi' mưa nắng do vắng khách

Các công viên khác ở Hà Nội cũng “đìu hiu” trong thời điểm dịch bệnh phức tạp. Công viên nước Hồ Tây “cửa đóng then cài”. Công viên Nghĩa Đô, Công viên Thống Nhất (thời điểm trước phong tỏa) chỉ lác đác người dân đến tập thể dục. Kể cả đơn vị tư nhân như Thiên đường Bảo Sơn cũng chỉ mở cửa trong 2 ngày cuối tuần, với lượng khách sụt giảm mạnh so với trước dịch.

Tình trạng tương tự diễn ra ở TP.HCM. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Phó giám đốc kinh doanh, Công ty CP dịch vụ du lịch Phú Thọ cho biết, Công viên văn hóa Đầm Sen hiện cũng chỉ mở vào thứ bảy và chủ nhật, thực hiện vui chơi giãn cách với các hoạt động ngoài trời và tạm ngừng hoạt động sân khấu, diễu hành. Do du khách chủ yếu là thiếu nhi, mà các em đang trong kế hoạch tiêm chủng, nên nhiều gia đình chưa thể đi tham quan dù họ rất muốn:

Ông Nghĩa cho biết: 'Cảm nhận như là họ có một sự thăm dò nhiều hơn. Những tuần lễ đầu thì lượng khách thấp, chỉ độ vài trăm thôi. Những tuần sau số lượng bắt đầu đông hơn. Tuy nhiên, tình hình hiện nay do biến chủng mới, con số có phần chững lại. Chủ yếu là đơn vị “tự lực cánh sinh”. Có tình hình mới thì chúng tôi cũng muốn các cơ quan chức năng cố gắng cập nhật sớm thông tin để điều chỉnh, thích ứng tốt hơn'.

Theo các chuyên gia, bên cạnh nỗi lo dịch bệnh thì thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, cùng các sản phẩm vui chơi chưa đổi mới, sáng tạo cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vắng khách tại các công viên. Bên cạnh sự nỗ lực từ bản thân doanh nghiệp thì sự hỗ trợ kịp thời từ các ban, ngành chức năng cũng là mong mỏi của rất nhiều người dân, trong đó có anh Trần Văn Nam, ở Cầu Giấy, Hà Nội: 'Mình mong chính quyền quan tâm nhiều hơn đến những điểm vui chơi. Bây giờ các công viên không quá nhiều, công viên lớn như Thủ lệ này thì cực hiếm. Để mà đóng cửa thì chắc chẳng còn chỗ nào chơi tại Hà Nội cả'.