Công tác phòng cháy, chữa cháy chưa thật sự quyết liệt?

VOVGT - Dù đã rất nhiều lần thể hiện sự quyết tâm về công tác phòng cháy, cháy chữa, nhưng tình hình cháy nổ tại Hà Nội và Tp.HCM vẫn diễn biến phức tạp.

Cháy tiệm bánh mỳ tại 26 Phùng Khoang (Hà Nội) làm 1 người chết 2 người bị thương (ảnh tư liệu)

Thống kê của Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Hà Nội cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố xảy ra 626 vụ cháy, làm chết 18 người, thiệt hại hơn 400 tỷ đồng (tăng 4 vụ cháy, 14 người chết và tăng hơn 300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái).

Trong đó, có những vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như vụ cháy tại cơ sở sản xuất Sôcôla kết hợp nhà ở tại thôn Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức ngày 29/7 làm 8 người chết. Gần đây nhất là vụ cháy tại cơ sở kinh doanh lốp, sửa chữa ô tô tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ làm 2 người chết vào ngày 25/9.

Ông Trần Văn Quang, trú tại CT4 khu đô thị Xa La, quận Hà Đông, nơi từng xảy ra vụ cháy lớn thiêu rụi nhiều đồ đạc lo lắng: "Người dân chúng tôi rất lo lắng vì kỹ năng thoát hiểm vì chúng tôi biết rất ít, kỹ năng thoát hiểm của người dân gần như không có. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng tuyên truyền rộng hơn để người dân tự có thể xoay xở, thoát hiểm khi xảy ra sự cố"

Trước thực trạng cháy nổ trên địa bàn thành phố thời gian qua, ngành chức năng thành phố Hà Nội đã rà soát toàn bộ các cơ sở, địa điểm về phòng cháy, chữa cháy. Theo đó, có 15 trung tâm thương mại; 56 nhà hàng; 842 cơ sở kinh doanh dịch vụ, nơi tập trung đông người, karaoke, vũ trường; 613 trường học; 23 cửa hàng kinh doanh xăng dầu; 915 cơ sở sản xuất... không đảm bảo về phòng chống cháy nổ, có nguy cơ xảy ra cháy.

Kết quả rà soát cũng cho thấy có 321 chung cư cũ, được xây dựng từ những năm 1980-1990, hầu hết không được đầu tư trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy, có chăng các thiết bị đó cũng không sử dụng được. Đối với các công trình nhà cao tầng vừa được xây dựng thì chủ đầu tư cũng không thật sự quan tâm đúng mức đến công tác phòng, cháy chữa cháy.

Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy số 8 Hà Nội cho biết: "Nhận thức của người dân về công tác phòng cháy chữa cháy cũng còn nhiều hạn chế. Vấn đề nữa là lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở mặc dù đã được huấn luyện kỹ năng, sử dụng thiết bị, nhưng lực lượng “mỏng”, nên việc đi kiểm tra đối với dân cư trên tòa nhà để hướng dẫn đôn đốc cũng chưa được nhiều".

Từ các vụ cháy thời gian qua, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho rằng, nguyên nhân xảy ra cháy không chỉ vì ý thức của doanh nghiệp mà còn là ý thức của người dân, nhất là kỹ năng phòng cháy, thoát hiểm còn hạn chế. Công tác tuyên truyền chủ yếu mới tập trung bề rộng, chưa đến hết các cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình, nên mức độ chuyển biến trong nhận thức của người đứng đầu và người dân về công tác tự phòng ngừa không cao. Phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy mới chỉ dừng ở bề nổi, chưa có những mô hình nổi bật để nhân rộng. Trong khi việc phối hợp, kiểm tra thiếu thường xuyên, một số nơi còn tình trạng buông lỏng kiểm tra giám sát; việc xử lý sai phạm trong phòng cháy, chữa cháy chưa triệt để.

"Trong xử lý sai phạm, tôi thấy có cái gì đó chưa thật sự quyết liệt. Chúng ta đã công khai, đưa ra quy trình cưỡng chế, khởi tố. Câu hỏi là các trường hợp đưa sang cơ quan công an đã khởi tố đến đâu, khi liên quan đến các điều kiện phòng cháy chữa cháy của các chủ đầu tư xây dựng?. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật phòng cháy chữa cháy của chúng ta hiện nay đang rất thiếu và yếu. Trụ nước thiếu, trụ có rồi thì không có nước". ông Nguyễn Hoài Nam cho biết.

Sự hoài nghi của người đứng đầu Ban pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đối với ngành chức năng thành phố trong xử lý sai phạm về phòng cháy, chữa cháy là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, nếu quyết liệt hơn, rất có thể số vụ cháy, các thiệt hại về người và của từ đầu năm đến nay trên địa bàn Hà Nội đã không nặng nề như thế!.

Trong khi đó, tại Tp. Hồ Chí Minh, trong 9 tháng của năm 2017, thành phố đã xảy ra 925 vụ tai nạn, sự cố liên quan đến cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ và đã có gần 4.000 lượt phương tiện, hơn 25.400 lượt cán bộ chiến sỹ trực tiếp xử lý 498/925 vụ.

Hiện trường vụ cháy tại công ty nhựa thuộc huyện Bình Chánh, Tp.HCM sáng 1/8 vừa qua. Ảnh: Trần Kha

Trong đó, riêng về cháy, xảy ra 775 vụ giảm một nửa so với với cùng kỳ năm 2016, làm chết 10 người, bị thương 27 người, tăng 5 người chết so với cùng kỳ. Các vụ cháy đã thiêu rụi hơn 36.000 m2 diện tích nhà xưởng, nhà dân, thiệt hại tài sản ước tính gần 60 tỷ đồng. Địa bàn xảy ra nhiều vụ cháy nhất là quận Bình Tân với 68 vụ.

Khó khăn nhất hiện nay là phòng cháy chữa cháy tại chung cư, nhất là chung cư cũ. Thành phố có nhiều chung cư xây dựng trước năm 1975 nay đã xuống cấp trầm trọng và kinh phí duy trì công tác phòng cháy chữa cháy gần như không có.

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy chữa cháy, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Tp. Hồ Chí Minh nói: "Trước mắt là tăng cường hướng dẫn công tác phòng cháy chữa cháy đến đâu hay đến đó tùy theo điều kiện. Tập trung tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy với người dân trong các chung cư nghiêm chỉnh chấp hành khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Đặc biệt là đối với việc chiếm giữ các điều kiện thoát nạn ở hành lang, cầu thang thì kiên quyết yêu cầu xử lý".