Công nhân điện tử có nguy cơ ung thư cao

VOVGT - Đây là một thông tin khá bất ngờ đối với nhiều người khi mà lực lượng lao động trong ngành điện tử ở nước ta rất đông đảo và chủ yếu là lao động trẻ.

 

Một khảo sát mới đây của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, mặc dù, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp điện tử được khảo sát đều báo cáo có dán nhãn mác hóa chất và bảng chỉ dẫn về an toàn hóa chất, nhưng chỉ có một số doanh nghiệp thông tin về các trường hợp ốm đau và thương tật do tiếp xúc với hóa chất. Bên cạnh đó, các yếu tố tác động tới sức khỏe người lao động như khói hàn, mùi hóa chất, tư thế ngồi hay các vấn đề về thị lực, áp lực công việc vẫn bị xem nhẹ.

Đáng chú ý, theo Bộ LĐ-TB&XH, lĩnh vực sản xuất, lắp ráp điện tử mới phát triển mạnh 5-7 năm gần đây, nên chưa có nhiều biểu hiện về hậu quả. Nhưng nguy cơ ung thư là có, nên nếu không đưa ra khuyến cáo sẽ có thể mất kiểm soát trong tương lai.

Cụ thể, các vấn đề về an toàn vệ sinh lao động trong ngành điện tử có thể dẫn đến ung thư và các bệnh về tim do tiếp xúc với các yếu tố độc hại tại nơi làm việc như phóng xạ, sóng điện từ và các hóa chất độc hại.

Các vấn đề về an toàn vệ sinh lao động trong ngành điện tử có thể dẫn đến ung thư và các bệnh về tim

Theo thống kê, hiện có khoảng 200 nghìn lao động, (trong đó có tới 80-85% là lao động nữ từ 18-30 tuổi) chủ yếu tập trung vào lĩnh vực lắp ráp sản phẩm điện tử tiêu dùng và sản xuất phụ tùng, linh kiện xuất khẩu. Nhiều tập đoàn đa quốc gia chọn lựa Việt Nam, bởi có lực lượng lao động dồi dào, chi phí nhân công rẻ, chi phí tài nguyên thấp cùng với những chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn… Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, các loại hóa chất độc hại sử dụng trong ngành công nghiệp điện tử về lâu dài có thể gây nên các bệnh ung thư, bệnh liên quan đến sinh sản và trước mắt là gây nên các bệnh căng thẳng thần kinh, đau mỏi cơ thể, giảm khả năng thị giác, thính giác.

Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam thừa nhận, không chỉ các doanh nghiệp chưa có thông tin về các trường hợp ốm đau và thương tật do tiếp xúc với hóa chất gây ung thư; mà nói chung ở nước ta, trong nhiều năm năm qua vẫn chưa có những điều tra, nghiêm cứu kỹ lưỡng về vấn đề này.

 

Trong năm 2015, một nghiên cứu của Trung tâm phát triển và hội nhập (CDI) về “Tác động ban đầu về an toàn môi trường và sức khỏe nghề nghiệp trong một số nhà máy sản xuất, lắp ráp điện tử ở Việt Nam”, cho thấy: điều kiện lao động của ngành sản xuất và lắp ráp điện tử tại Việt Nam đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người lao động.

Đặc biệt là ở một số công đoạn như sản xuất pin, con chíp, test chức năng, tiếp xúc với các hóa chất nguy hiểm, bức xạ ion hóa và không ion hóa, những công việc căng thẳng, làm đêm với thời gian kéo dài 9-12 giờ… có thể ở mức đặc biệt độc hại, nguy hiểm. CDI kiến nghị đưa nghề sản xuất, lắp ráp điện tử vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.

Như vậy, những nguy cơ về sức khỏe nghề nghiệp đối với công nhân trong một số nhà máy sản xuất, lắp ráp điện tử là có thật. Để khắc phục tình trạng này và đưa ra những nghiên cứu cụ thể, chính xác, mới đây Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức lễ phát động chiến dịch thanh tra lao động năm 2017 trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp điện tử. hiến dịch diễn ra trên toàn quốc và được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 12/2017.

Mục tiêu của Chiến dịch nhằm tăng cường thanh, kiểm tra các doanh nghiệp điện tử, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động; Nâng cao kiến thức pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động của người lao động, người sử dụng lao động tại 100% doanh nghiệp được thanh tra; Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chấp hành pháp luật lao động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp điện tử.

Chiến dịch gồm 4 hoạt động: Khoang vùng, đánh giá rủi ro, truyền thông, thanh tra, tổng kết. Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết:

 

Công nghiệp điện tử Việt Nam đang đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế và giải quyết việc làm cho không ít người lao động. Tuy nhiên, với sự phát triển mang tính chất “tức thời” như hiện nay thì vấn đề sức khỏe của nguồn lao động trong ngành này là một vấn đề rất lo ngại.

Vì vậy, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là nâng cao công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp ý thức được việc công khai, nh bạch các loại hóa chất độc hại trong sản xuất các sản phẩm điện tử. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần có tìm hiểu về mức độ độc hại của các hóa chất và đấu tranh cho quyền lợi của người lao động.