Con nuôi biên phòng - Ấm áp tấm lòng nơi biên giới

Về sống tại Đồn Biên phòng Lộc Thiện, phải mất một thời gian ngắn, Long mới đỡ rụt rè. Với tình thương và trách nhiệm, các cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã giúp em vượt qua mặc cảm và kết quả học tập tiến bộ dần.

Một buổi tối đầu tháng 12, nhóm PV chúng tôi tới thăm nơi ở của em Đặng Phi Long, học sinh lớp 4 trường Tiểu học Lộc Thiện, xã biên giới giới Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh tại căn nhà của đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Lộc Thiện.

Trời nhá nhem, Long thấy nhà có khách, vội vàng dựng chiếc chổi quét nhà, bê phích nước nóng pha trà. Đại uý Thái Ngọc Hoàng được đơn vị giao nhiệm vụ chăm sóc Long ân cần nhắc nhở cậu bé: “Cẩn thận kẻo nóng, con”.

Từ ngày về “nhà mới” ở Đồn Biên phòng Lộc Thiện, Long có những người “bố nuôi” rất đặc biệt.

 CON NUÔI ĐỒN BIÊN PHÒNG

Thiếu tá Trịnh Văn Vũ, Chính trị viên Đồn biên phòng Lộc Thiện chia sẻ, Long cũng là trường hợp đầu tiên trong toàn tỉnh được nhận nuôi dưỡng theo mô hình “con nuôi đồn biên phòng” theo chủ trương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Phước.

“Xác định đây là nhiệm vụ mới, cũng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên Đảng uỷ, Ban chỉ huy đồn Lộc Thiện cũng đặt quyết tâm thực hiện giao nhiệm vụ cụ thể cho các cán bộ chiến sĩ trong đơn vị, đặc biệt là chọn các đồng chí có kinh nghiệm dạy học ở các lớp xoá mù chữ trên địa bàn, có tâm huyết để nuôi dạy cháu.

Lúc đầu, khi mới về đơn vị, cháu cũng bỡ ngỡ trong tiếp xúc với cán bộ chiến sĩ, cán bộ chiến sĩ ở đây coi cháu như con cháu trong nhà, cũng gần gũi, qua đó từng bước cháu cũng đã quen được với môi trường trong quân ngũ”, Thiếu tá Vũ nói.

Em Đặng Phi Long, học sinh lớp 4 trường Tiểu học Lộc Thiện, xã biên giới giới Lộc Thiện
Phi Long có hoàn cảnh rất khó khăn, em sống cùng bà ngoại nay đã ngoài 70 tuổi

Phi Long có hoàn cảnh rất khó khăn. Bố mất sớm, không lâu sau đó, mẹ đi lấy chồng, em sống cùng với bà ngoại nay đã ngoài 70 tuổi. Từ lúc lọt lòng, một tay bà ngoại Long chăm bẵm em từ bữa ăn giấc ngủ. Mọi sinh hoạt của hai bà cháu đều dựa vào tiền thu mủ từ vài chục cây cao su quanh nhà.

Năm 2018, Long phải nghỉ học giữa chừng khi mới vào lớp 1. Tháng 9/2019, Đồn Biên phòng Lộc Thiện nhận em về làm “con nuôi” cho đến khi em học hết lớp 9.

Bà Đỗ Thị Sang, bà ngoại Long xúc động khi nhìn thấy giây phút cháu được trở lại trường học: “Tôi rất cảm động, vì Bộ đội biên phòng đã giúp đỡ gia đình, nhận cháu Long nuôi dưỡng. Mong sao sau này cháu Long có tương lai cho bản thân cháu. Tôi đã già, mỗi tháng thu hoạch không có bao nhiêu để nuôi cháu. Thực sự tôi chỉ biết cảm ơn, không biết nói gì hơn”.

Về sống tại Đồn Biên phòng Lộc Thiện, phải mất một thời gian ngắn, Long mới đỡ rụt rè. Với tình thương và trách nhiệm, các cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã giúp em vượt qua mặc cảm và kết quả học tập tiến bộ dần.

Long cũng sinh hoạt như một “chiến sĩ nhí”, tham gia các hoạt động của đơn vị như tăng gia sản xuất, tập thể thao,.. để rèn luyện thêm tác phong.

Cậu bé tự tin kể về một ngày của mình: “Sáng con dậy từ 6h, đánh răng rửa mặt ăn sáng rồi đi học. Con giúp các chú rửa bát, quét nhà, giặt quần áo này. Các chú ở đây rất thương con, chỉ cho con nhiều điều hay”. 

Mặc dù đơn vị cách trường của Long chừng hơn 10 cây số, nhưng các cán bộ, chiến sĩ luôn sắp xếp thời gian đưa đón Long đúng giờ, đồng thời đảm bảo không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. 

Đại uý Thái Ngọc Hoàng được đơn vị giao nhiệm vụ chăm sóc Long

Đặc biệt, từ khi có thêm cậu bé, căn nhà của đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Lộc Thiện lúc nào cũng rôm rả. 

“Ban đầu cháu còn hiếu động, ham chơi nên anh em phải thay phiên nhau dạy bảo cháu cẩn thận. Nhưng giờ cháu đã tự giác hơn, lễ phép và chăm ngoan”, Thiếu tá Vũ chia sẻ thêm.

7h tối, trong căn phòng nhỏ nhắn kê một chiếc giường và giá sách ngăn nắp, Long lật giở từng trang sách để chuẩn bị bài cho ngày mai. Tiếng cậu bé lanh lảnh: “Nếu chúng mình có phép lạ/Hái triệu vì sao xuống/Đúc thành ông mặt trời mới/ Mãi mãi không còn mùa đông…” làm ấm lòng cán bộ, chiến sĩ.

Những tình cảm yêu thương, nồng hậu được vun đắp đã thắp lên ngọn lửa tương lai cho những đứa trẻ nghèo ở vùng biên cương…

Long cũng sinh hoạt như một “chiến sĩ nhí”

Nằm ở vị trí “đầu gối Trường Sơn, vai kề biên giới”, tiếp giáp Campuchia với chiều dài đường biên giới hơn 258,9km; đồng thời cũng là tỉnh có tới 41 dân tộc anh em cùng sinh sống, nên bên cạnh nhiệm vụ giữ gìn an ninh, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ vững chắc địa bàn, Bình Phước coi công tác giảm nghèo là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ đội biên phòng Bình Phước cũng phối hợp với địa phương làm tốt công tác dân vận và thực hiện nhiều chương trình nhân văn, trong đó có mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”.

Đại tá Hoàng Văn Thành, Phó Chính uỷ Bộ đội Biên phòng Bình Phước cho biết: "Ngoài nhiệm vụ quản lý bảo vệ biên giới, để có được sự tin yêu và ủng hộ của nhân dân, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Bình Phước đã tuyên truyền tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về biên giới cũng như các chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tham gia xây dựng địa bàn biên giới.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động và xây dựng các chương trình, mô hình giúp dân xoá đói, giảm nghèo, vươn lên ổn định đời sống, tiêu biểu như: chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”; Chương trình “Ngân hàng bò giống”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; Chương trình “Nâng bước em tới trường và Con nuôi đồn biên phòng”;… 

Hiện BĐBP Bình Phước đã nhận 7 cháu có hoàn cảnh rất đặc biệt về nuôi dưỡng tại các Đồn Biên phòng. Riêng mô hình “Nâng bước em tới trường”, hiện có 70 cháu được hỗ trợ kinh phí học tập hàng tháng, mỗi cháu 500.000 đồng, trong đó có 7 cháu là người Campuchia.