Con dâu 'khai tử' bố mẹ chồng đang còn sống để nhận tài sản thừa kế

VOVGT- Gần 3 năm qua ông Đỗ Văn Hợp và bà Nguyễn Thị An khiếu kiện để chứng minh “mình đang còn sống, không phải đã chết”, sau khi bị con dâu "khai tử".

Ông Hợp nói mình đang sống mà bị con dâu khai báo đã chết - Ảnh: Báo VnExpress

Nghe chi tiết tại đây:

 

Gần 3 năm qua, ông Đỗ Văn Hợp và bà Nguyễn Thị An (đã 86 tuổi, ở tại số nhà 62A, ngõ 399 đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội) đi khiếu kiện từ Quận tới Thành phố để chứng nh “mình đang còn sống, không phải đã chết”.

Ông Hợp và bà An có người con trai là Đỗ Mạnh Tiến và con dâu là Vũ Thị V.

Đến tháng 1/2005, anh Tiến chết vì lâm bệnh nặng và để lại di chúc. Sau đó, chị V khẳng định trong bản khai nhận tài sản thừa kế căn nhà đứng tên hai vợ chồng tại phòng công chứng số 3, thành phố Hà Nội là “bố mẹ đẻ của ông Tiến đã chết”. Từ đó, chị V và hai người con hưởng toàn bộ tài sản.

Ông Hợp bức xúc nói:

“Báo tử thì mới cướp được tài sản. Không báo tử được thì không bao giờ lấy được tài sản của chúng tôi. Gia đình cũng rất khổ tâm về chuyện tuổi đã cao rồi, 2 năm nay cứ phải đi hầu tòa thì tôi thấy cũng hơi khó khăn. Hết tòa quận rồi lại đến tòa thành phố”.

 

Theo quy định tại điều 669, Bộ luật Dân sự năm 2005, ông Hợp và bà An là những người được hưởng tài sản thừa kế không phụ thuộc di chúc. Có lẽ, hiểu được điều này nên chị V đã cố tình gạt bố, mẹ chồng ra ngoài, bằng cách “khai tử” ông bà đang còn sống.

Để làm được việc này, chị V phải thực hiện “quy trình” khai nhận tài sản thừa kế tại tại phòng công chứng số 3, sở Tư pháp Hà Nội.

Sau đó, xin xác nhận tại UBND phường Nhật Tân theo Luật Công chứng, chứng thực. Công chứng viên Nguyễn Thanh Tú là người trực tiếp xác nhận vào bản khai nhận tài sản thừa kế có nội dung “ông Hợp, bà An đã chết”. Anh Tú quanh co nói:

“Cháu cũng vì tin nhà chị Viễn này, mấy mẹ con nhà chị ấy. Bởi vì một người nói dối thì được chứ 3 người nói dối thì không thể. Cứ đặt người ta như chính mình thì không bao giờ đi nói bố mẹ chồng mình sống mà lại bảo là chết cả. Thế rồi lại tin vào UBND phường Nhật Tân là cái nơi mà anh quản lý… Nếu như bản này mà đến tay của người có trách nhiệm thì không bao giờ người ta xác nhận một cái vô lối này bởi vì người ta phát hiện ngay”.

 

Ông Hợp dán giấy trước căn nhà không đồng ý con dâu bán - Ảnh: Báo VnExpress

Sau khi “qua mặt” công chứng viên, chị V lại được Chủ tịch UBND phường Nhật Tân xác nhận là trong thời gian thông báo niêm yết, UBND phường không hề nhận được bất kỳ đơn thư, khiếu nại nào liên quan.

Điều này đồng nghĩa rằng, bản Thông báo khai nhận tài sản thừa kế đủ điều kiện thông qua. Tiếp đó, ngày 15/4/2015, chị V đã bán tài sản đó cho chị Hoàng Thùy Linh ở quận Cầu Giấy, nhưng đã bị ông Hợp bà An phản đối và có đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền can thiệp. Nhớ lại sự việc, ông Hợp bày tỏ:

“Sự việc này thực ra to nó vẫn là to, nhỏ vẫn là nhỏ. Tôi ở giữa thành phố mà mất một cái tài sản quá lớn, tổ tiên ông cha tôi xây dựng bao nhiêu đời bây giờ mất thì tôi ấm ức. Đề nghị là ở trên làm rõ sự việc sao cho chúng tôi còn sống ngày nào hiểu được cái đấy”.

 

Theo Nghị định 75/2000-NĐ-CP về công chứng, chứng thực quy định rất rõ: “Người thực hiện công chứng, chứng thực có quyền yêu cầu người công chứng, chứng thực xuất trình đủ giấy tờ cần thiết cho việc công chứng, chứng thực” thì mới thực hiện. Thế nhưng, vị công chứng viên này lại dễ dàng bỏ qua, và khẳng định:

“Xét về mặt luật pháp thì mẹ con nhà chị ấy đã để che dấu thông tin và bỏ sót, mặc dù đã cam đoan để cho công chứng viên tin rằng là đấy là sự thật rồi và người ta đã làm như thế rồi mà vẫn cố tình che đậy để nhận hơn cái phần của hai bác, mà theo luật thì người được hưởng tài sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, thì mấy mẹ con nhà chị Viễn này phải cùng có liên đới chịu trách nhiệm đúng như cam kết trong văn bản thỏa thuận khai nhận tài sản thừa kế”.

 

Đã gần 3 năm trôi qua, sự việc trên không được giải quyết rốt ráo, thỏa đáng. Ông Hợp và bà An đã gửi đơn đi khắp nơi, đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy văn bản khai nhận tài sản thừa kế có dấu hiệu trái pháp luật.

Đồng thời, đề nghị làm rõ trách nhiệm của công chứng viên Nguyễn Thanh Tú và chị V, nhưng Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cũng chỉ dừng lại ở khâu thủ tục là: Đang thụ lý vụ án. Nhận định về diễn biến của vụ việc này, đại diện Thanh tra Sở Tư pháp khẳng định:

“Nghị định 75 có nói về bản tài sản thừa kế là có giá trị như chứng cứ và chỉ có tòa án tuyên vô hiệu, khi tòa án tuyên vô hiệu thì ai sai ai đúng đến đâu tòa án sẽ quyết. Khi có cái sai phạm đấy thì Sở Tư pháp sẽ tiến tục căn cứ để xử lý những người có liên quan. Chị Viễn có thể truy tố hình sự, anh Tú có thể bị kỷ luật của Sở Tư pháp”.

 

Việc ai đúng ai sai thì còn phải chờ Tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng. Thế nhưng, khi bản án chưa tuyên thì dư luận rất phẫn nộ vì hành vi trái với đạo làm con của người con dâu “khai tử” bố mẹ chồng khi còn sống.

Một lần nữa, ông Hợp, bà An khẩn thiết đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng xem xét và sớm đưa vụ án ra xét xử, nhằm đảm bảo tính nghiêm nh của pháp luật.

Mọi phản ánh của quý thính giả về các vấn đề dân sinh, xã hội xin gọi cho chúng tôi theo số điện thoại đường dây nóng: 024. 37919191 hoặc qua email: tiengnoicongdongvov@gmail.com.