Coi chừng va chạm khi trời lạnh cóng

Mùa đông miền Bắc năm nay bắt đầu sớm hơn một chút so với năm ngoái. Những đợt gió mùa Đông Bắc đổ bộ từ tháng 11 cùng một đợt rét đậm rét hại kéo dài hơn một tuần, khiến người thành phố cũng phải suýt soa.

Ảnh nh họa
 

Ngoài những lưu ý giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, bạn cũng đừng quên đề phòng các yếu tố gia tăng nguy cơ rủi ro va chạm giao thông trong điều khiện thời tiết khắc nghiệt này.

Bởi thực tế, trong đợt rét đậm đầu tiên, VOVGT đã ghi nhận sự gia tăng đột biến số va chạm giao thông trong các khung giờ cao điểm. Có khi chỉ vài giờ đồng hồ, liên tiếp xảy ra gần 20 vụ va chạm trên địa bàn Hà Nội.

Một tỉ lệ lớn các vụ va chạm liên quan đến xe hai bánh. Trời lạnh, người đi mô tô, xe máy phải khăn mũ kín mít, áo đơn áo kép dày cộm cả người, khiến khả năng quan sát và phản ứng linh hoạt bị giảm đi rất nhiều.

Găng tay mỏng thì cóng, mà găng tay dày thì tay lái lóng ngóng hơn. Chưa kể, cũng giống như khi nắng nóng, đa số người đi xe máy có xu hướng chạy nhanh hơn để trốn cái lạnh ngoài trời.

Sự vội vàng kéo theo bất cẩn, cộng thêm với cách đi lại khá tùy tiện lâu nay, nên va chạm rất dễ xảy ra.

Ngay cả với người lái ô tô, cũng có những lý do làm tăng nguy cơ mất an toàn trong những ngày trời rét, như việc sử dụng điều hòa trong xe chưa đúng cách khiến kính lái bị mờ, hoặc thiếu kỹ năng lái xe trong điều kiện sương mù dày đặc trên cao tốc, quốc lộ, cầu vượt sông…

Nhìn chung, các kiểu thời tiết cực đoan như nắng lắm, mưa nhiều nay rét đậm kéo dài đều là thách thức đối với người tham gia giao thông.

Vì thế, ngoài sự hiểu nhau, còn cần cả sự thông cảm và chia sẻ khó khăn giữa những người tham gia giao thông, từ đó điều chỉnh cách đi lại cho phù hợp trong từng điều kiện thời tiết, từng tình huống cụ thể.

Đó cũng là cách để giữ bình an cho mỗi hành trình, và giúp nhau cảm thấy ấm áp hơn giữa những ngày đông giá lạnh.

----

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 29/12 tại đây: