Cơ sở dữ liệu ngành giao thông, nên xây dựng và sử dụng theo hình thức “cuốn chiếu”

Tập trung số hóa dữ liệu từng hợp phần một và ngay khi đảm bảo pháp lý thì đưa vào sử dụng ngay thay vì phải hoàn thành cả bộ dữ liệu rồi mới công bố; vì như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian cũng như không thể phục vụ ngay yêu cầu chuyển đổi số...

Xây dựng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu được xem là nhiệm cụ hết sức quan trọng đối với lĩnh vực giao thông vận tải. Công tác này thời gian qua nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ, Bộ GTVT cũng như các địa phương.

PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Tùng – Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) về nội dung này.

Ông Lê Thanh Tùng – Giám đốc trung tâm công nghệ thông tin Bộ GTVT

PV: Ông có thể cho biết những kết quả sau 5 năm Bộ GTVT tiến hành chuyển đổi số trong hoạt động giao thông cũng như hình thành cơ sở dữ liệu của ngành giao thông?

Ông Lê Thanh Tùng: Bộ GTVT xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng và được thực hiện xuyên suốt những năm qua. Chúng tôi cũng tập trung hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung liên quan đến lĩnh vực mà Bộ quản lý như cơ sở dữ liệu về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện hay doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải…từ đó thực hiện cung cấp các dịch vụ công toàn trình cho người dân và doanh nghiệp.

Chúng tôi phấn đấu xây dựng 4 bộ cơ sở dữ liệu dùng chung trong giai đoạn 2021-2025. Theo thống kê thì có 25 cơ sở dữ liệu và thời điểm này chúng tôi đã hoàn thành cơ bản 17/25 cơ sở dữ liệu. 8 cơ sở dữ liệu còn lại đã có kế hoạch và đang xây dựng, phấn đấu đến tháng 6/2025 sẽ cơ bản hoàn thành.

Song song đó, Bộ GTVT cũng tập trung nghiên cứu kiến trúc quy hoạch tổng thể đối với hệ thống giao thông thông nh, đây là xu hướng và đòi hỏi trong quá trình khai thác kết nối hạ tầng, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc.

PV: Bộ GTVT có khuyến nghị gì với quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu và hình thành khung kiến trúc dữ liệu ngành giao thông TPHCM?

Ông Lê Thanh Tùng: TP.HCM cần bám sát định hướng về xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số của Bộ GTVT trong đó có kiến trúc dữ liệu của Bộ GTVT. Chúng tôi đề nghị TP.HCM xem xét tích hợp dữ liệu này về địa phương để sử dụng trong hoạt động đặc thù của địa phương.

Sở GTVT TP.HCM cần sớm ban hành khung kiến trúc dữ liệu làm cơ sở xây dựng và thúc đẩy chuyển đổi số theo hướng tạo lập đến đâu sử dụng đến đó. Ngoài ra, sau khi hình thành dữ liệu rồi thì cần thúc đẩy ứng dụng và chuyển đổi số toàn diện hoạt động này.

Bộ GTVT cơ bản hoàn thành số hóa dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông. Ảnh: Bộ GTVT

PV: Vì sao với cơ sở dữ liệu ngành giao thông cần triển khai theo hướng hoàn thành đến đâu thì dùng đến đó?

Ông Lê Thanh Tùng: Đầu tiên, nhu cầu về chuyển đổi số đối với ngành GTVT là rất lớn và dư địa vẫn còn rất nhiều. Đối tượng dữ liệu của ngành GTVT là lớn ở 5 lĩnh vực và trải rộng ở tất cả các địa phương, nên nếu đặt mục tiêu phải hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu rồi mới đưa vào sử dụng thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của người dân.

Do đó, cần tập trung số hóa dữ liệu cho từng hợp phần một và ngay khi đảm bảo pháp lý thì đưa vào sử dụng ngay thay vì phải hoàn thành cả bộ dữ liệu rồi mới công bố vì như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian cũng như không thể phục vụ ngay yêu cầu chuyển đổi số của người dân và doanh nghiệp đang đòi hỏi ở ngành GTVT.

PV: Thời gian qua, quá trình kết nối thông tin dữ liệu giữa địa phương và Bộ GTVT chưa thực sự đồng nhất, dẫn đến việc xử lý các vi phạm hay các bất cập chưa đáp ứng nhu cầu. Thời gian tới, Bộ GTVT có kế hoạch gì để khắc phục tình trạng này?

Ông Lê Thanh Tùng: Đối với dữ liệu của ngành GTVT là rất nhiều ở 5 lĩnh vực và phạm vi triển khai rất rộng, thời gian qua Bộ GTVT phối hợp với các địa phương tập trung xây dựng và kết nối dữ liệu nền tảng trước. Đến nay, các nhiệm vụ này cơ bản hoàn thành và chúng tôi sẽ đẩy mạnh kết nối toàn diện với địa phương.

Còn đối với các bộ cơ sở dữ liệu khác có thể trong quá trình xây dựng chưa được thực hiện đầy đủ, chưa toàn diện nên việc kết nối dữ liệu từ trung ương đến địa phương còn trục trặc vì còn nhiều dữ liệu chưa được số hóa nên chưa thể kết nối và chia sẻ dữ liệu được.

Với chương trình chuyển đổi số của Bộ và kế hoạch thực hiện thời gian tới, tôi cho rằng việc kết nối dữ liệu giao thông vận tải từ trung ương đến địa phương sẽ được tháo gỡ, giúp nâng cao hiệu quả việc kết nối tất cả bộ cơ sở dữ liệu của ngành giao thông vận tải từ trung ương đến địa phương.

PV: Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!