Có nên bỏ môn Ngoại ngữ tại kỳ thi tốt nghiệp THPT?

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã công bố Dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025, xin ý kiến dư luận xã hội

Cụ thể, 3 phương án bao gồm:

Phương án 1: 4+2: gồm 4 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn tự chọn.

Phương án 2: 3+2: gồm 3 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn.

Phương án 3: 2+2:  gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn tự chọn. 

Trong đó, phương án đang nhận được sự ủng hộ của đa số học sinh và giáo viên là phương án "2+2", tức là Ngoại ngữ sẽ không còn là môn thi bắt buộc, với mong muốn sẽ giảm áp lực thi cử cho học sinh.

Tuy nhiên cũng lại có nhiều ý kiến cho rằng, tiếng Anh đang ngày càng trở nên quan trọng khi Việt Nam hội nhập toàn cầu, nên việc loại Ngoại ngữ khỏi môn thi bắt buộc có hại nhiều hơn lợi. Vậy để có cái nhìn rõ hơn về nội dung này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Thầy giáo Đinh Đức Hiền, trưởng khối THPT, phổ thông liên cấp FPT.

Ảnh nh họa baochinhphu

PV: Thưa ông, trước việc số môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang là chủ đề được tranh luận sôi nổi, mà trong đó, phương án được nhiều người quan tâm nhất là phương án "2+2" - thí sinh thi hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và hai môn tự chọn, Ngoại ngữ sẽ không phải môn thi bắt buộc, ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

Thầy giáo Đinh Đức Hiền: Với phương án 2+2 theo tôi hiện tại là phương án khá hợp lý. Bởi vì thực tế là chương trình giáo dục phổ thông mới, từ lớp 1 đến lớp 9, đấy là giai đoạn trang bị kiến thức căn bản, còn giai đoạn từ lớp 10 đến lớp 12 đó là giai đoạn định hướng nghề nghiệp.

Chính việc chúng ta cho môn Sử trở lại là môn bắt buộc, đã phá vỡ cấu trúc ban đầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, tức là mất đi cái tính định hướng nghề nghiệp.

Bây giờ chỉ cần chúng ta bỏ môn tiếng Anh ra khỏi môn bắt buộc, thì rõ ràng học sinh sẽ có nhiều lựa chọn hơn và chúng ta sẽ đưa cái thế cân bằng trở lại. Chúng ta sẽ đưa mục tiêu định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT về lại mục tiêu ban đầu, thì tôi cho rằng nó rất hài hòa. Cái thứ hai là chúng ta vẫn phù hợp với luật Giáo dục, đồng thời chúng ta giảm tải được kỳ thi đi.

Bởi lẽ là kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện tại thì mang tính chất là tốt nghiệp là chủ yếu, và cũng phù hợp với luật Giáo dục, đó là các trường đại học phải tự chủ. Cho nên là việc mà tuyển sinh đại học thì chúng ta hãy trao quyền về cho các trường đại học nhiều hơn

PV: Nhưng cũng lại có ý kiến cho rằng, ngoại ngữ rất quan trọng trong thời đại ngày nay nên việc loại môn này ra khỏi các môn thi bắt buộc có thể khiến học sinh sao nhãng kiến thức. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Thầy giáo Đinh Đức Hiền: Môn học nào thực tế ra nó cũng quan trọng cả. Chúng ta nói tiếng Anh quan trọng, thì môn nào cũng sẽ quan trọng. Nhưng chúng ta hãy nhìn lại câu chuyện mà chúng ta đào tạo tiếng Anh mấy chục năm nay, chúng ta cũng nhận thấy một thực tế rằng là học sinh Việt Nam học tiếng Anh từ lớp 1 tới lớp 12 nhưng khả năng sử dụng tiếng Anh là rất thấp. Và cái việc mà các bạn ấy có thể sử dụng được tiếng Anh gần như là vì các gia đình phải đầu tư học bên ngoài rất là nhiều.

Tại sao mà trình độ tiếng Anh của học sinh Việt Nam hiện nay nó yếu kém, là bởi vì chúng ta học thiếu đi đôi với hành.

Tất cả những việc học của chúng ta hiện nay là hướng tới thi cử, học ngữ pháp rất nhiều, học sinh không có môi trường để mà có thể phát triển cái ngôn ngữ tiếng Anh. Đấy là cái sự thật mà chúng ta phải nhìn vào.

Còn nếu như mà chúng ta mà lại cứ chăm chăm cái chuyện đó là, phải thi môn này thì các bạn ấy mới học, thì thực ra là chúng ta lại vẫn cứ quay lại cái tư duy cũ, tức là học để thi. Mà căn bản là chúng ta phải đổi mới toàn diện từ cái việc giáo trình, từ việc điều kiện cơ sở vật chất, đến cái môi trường thực hành dành cho các bạn học sinh.

Nên để mà nâng cao được trình độ tiếng Anh của học sinh Việt Nam, chúng ta cần phải phối hợp giữa nhiều bên, là vấn đề của cả Chính phủ chứ không phải chỉ riêng Bộ GD-ĐT. Nó không phải là ở cái môn thi tốt nghiệp đó là môn thi tiếng Anh, thật sự là như vậy. 

PV: Xin cảm ông!