Cơ hội, thách thức của doanh nghiệp dệt may, da giày trước yêu cầu “xanh hóa” sản xuất

Ngành dệt may, da giày Việt Nam đang đứng trước “sức ép” xu thế xanh hóa, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi, buộc phải “xanh hóa” trong chuỗi cung ứng. Để đi được dài hơn, bền vững hơn, doanh nghiệp dệt may, da giày cần chuyển đổi Xanh

Chia sẻ tại Tọa đàm Động lực “xanh hóa” chuỗi cung ứng dệt may, da giày ngày 28/10, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương cho biết, ngành dệt may, da giày có những đóng góp vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và mọi mặt của đời sống, của xã hội. 

Tọa đàm “Động lực “xanh hóa” chuỗi cung ứng dệt may, da giày”

Chuỗi cung ứng dệt may, da giày Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, dệt may, da giày cũng là những ngành gây ô nhiễm môi trường lớn, do đó chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc.

"Xanh hóa đối với ngành dệt may, da giày đòi hỏi rất nhiều thách thức bởi vì trong cả quy trình dệt - may hay da - giày, từ sản xuất đến sản phẩm cuối cùng là phải “xanh hóa”, tất cả các công đoạn từ sản xuất đến quản lý đều đòi hỏi các chất phát thải cũng như trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường cũng như trách nhiệm đối với người tiêu dùng thì đều đòi hỏi xanh hóa và yêu cầu tronng giai đoạn tới ngày càng bức thiết và doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác thay đổi hoặc không tồn tại", Tiến sĩ Nguyễn Văn Hội nhận định.

Theo ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam, chuỗi giá trị dệt may, da giày hiện nay đã tham gia sâu rộng vào trong chuỗi giá trị toàn cầu. Phần lớn các sản phẩm dệt may của Việt Nam xuất khẩu đến hơn 100 thị trường và đây cũng chính là “sức ép” mà hiện nay các doanh nghiệp đang gặp phải.

"Trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, sức ép lớn nhất là sức ép về xu hướng. Phải đáp ứng các nhu cầu, yêu cầu về môi trường, hay như chúng ta hiện nay đang nói là “Xanh hóa” sản phẩm cũng như giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay", ông Thịnh chia sẻ.

Xanh hoá là con đường bắt buộc với ngành Da giày để tham gia chuỗi cung ứng - Ảnh nh họa Baoxaydung.com

Ông Lê Xuân Thịnh cho rằng, đối với các doanh nghiệp dệt may thì thách thức hiện nay phải chịu là những sức ép từ quốc tế, từ nhãn hàng yêu cầu càng ngày càng khắt khe hơn đối với các sản phẩm trong vấn đề về sử dụng năng lượng, vấn đề tuần hoàn, tái chế chất thải, vấn đề trong thiết kế sản phẩm để làm sao ngày càng bền vững hơn, sử dụng ít nguyên vật liệu hơn và có thể thu hồi, tái chế sản phẩm để giảm tác động đến môi trường.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam thông tin, da giày là ngành hội nhập rất rộng, chính vì thế, việc đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững đã được doanh nghiệp trong ngành, nhất là doanh nghiệp lớn thực hiện. Trước đây, yêu cầu về phát triển bền vững chủ yếu là do các nhãn hàng đặt ra nhưng đến nay đã được luật hóa tại các thị trường chính của ngành như Mỹ, EU…

Đơn cử, tại thị trường EU, một số đạo luật đã được ban hành, như đạo luật tra soát chuỗi cung ứng hay đạo luật về chống phá rừng. Sắp tới, hàng loạt các đạo luật mới về trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất, dán nhãn sinh thái, thiết kế sinh thái… sẽ được ban hành. “Đây là một trong những thách thức rất lớn đối với ngành da giày khi đây thị trường chiếm phần lớn tỷ trọng xuất khẩu của ngành”, bà Xuân cho hay.

Lãnh đạo Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cũng bày tỏ, Hiệp hội mong muốn Bộ Công Thương sẽ là đầu mối cùng phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng được chương trình hành động, giúp doanh nghiệp nâng cao nội lực, theo hướng phát triển bền vững trong thời gian sắp tới.