Cơ hội cho người khuyết tật điều khiển ô tô

VOVGT-Mới đây, Cục Đăng kiểm VN đã cấp chứng nhận kiểm định cho một số trường hợp xe ôtô dành riêng cho người khuyết tật…

Người khuyết tật sẽ có sân thi riêng cho việc cấp GPLX. Ảnh: CAND

Cục Đăng kiểm VN đã cấp chứng nhận kiểm định cho một số trường hợp xe ô tô dành riêng cho người khuyết tật điều khiển. Điều này mở ra cơ hội cho nhiều người khuyết tật sở hữu giấy phép lái xe và tự mình điều khiển ô tô cá nhân.

Vậy người khuyết tật mức độ nào thì được điều khiển xe, các điều kiện để cải hoán xe cho người khuyết tật ra sao? Những quy định nào trong luật giao thông cần điều chỉnh? Trong điều kiện hạ tầng giao thông ở nước ta hiện nay thì mức độ khả thi đến đâu?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Có được giấy phép lái xe cũng như phương tiện được chứng nhận đăng kiểm để có thể điều khiển xe ô tô cá nhân tham gia giao thông là mong muốn của không ít người khuyết tật. Tuy nhiên, lâu nay còn khá nhiều vướng mắc khiến người khuyết tật gặp khó khi tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân.

Mới đây, Thông tư 12 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GLX cơ giới đường bộ có hiệu lực từ tháng 6/2017 đã có quy định cho phép người khuyết tật được học, sát hạch để được cấp GPLX ô tô hạng B1. Theo đó, người khuyết tập muốn được tham gia đào tạo, cấp bằng lái xe hạng B1 phải đáp ứng đủ các điều kiện về sức khỏe theo quy định tại Thông tư liên tịch 24 ngày 10/10/2015 của Bộ GTVT và Bộ Y tế. Người bị khuyết hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân, bệnh nhân sau mổ tim… được đào tạo, sử dụng ô tô số tự động. Trường hợp phải cải tạo để phù hợp khiếm khuyết của cơ thể, chiếc ô tô này phải được cơ quan chức năng kiểm định và chấp thuận. Quy định về cải tạo xe được quy định tại Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Từng gặp khó khăn trong việc khám sức khỏe để làm hồ sơ cấp GPLS, ông Trịnh Công Thanh, Chủ tịch Hội Thanh niên Khuyết tật Hà Nội; Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ, sau khi có Thông tư số 12, NKT có một khung pháp lý để tạo điều kiện tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, những quy định này chưa được áp dụng đồng đều ở nhiều nơi.

Tại một số địa phương, các cơ sở y tế vẫn còn khá dè dặt khi khám sức khỏe cho NKT để làm hồ sơ cấp GPLX. Ngoài ra, các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe chưa có phương tiện để NKT tham gia đào tạo. Ngoài ra, các quy định về phương tiện hoán cải vấn khó có thể áp dụng trên thực tế. Ông Trịnh Công Thanh chia sẻ thêm:

“Còn rất nhiều quy định liên quan như tiêu chuẩn của phương tiện, áp dụng trên thực tế ở các cơ sở đăng kiểm ở địa phương. Nhiều khi thông tin chưa phổ biến, các cơ sở đăng kiểm khá dè dặt khi tiếp nhận hồ sơ và cấp phép cho phương tiện. NKT cũng không biết quy định, thông tin để nộp hồ sơ kiểm định. Nhà nước cũng chưa có quy định chi tiết về tiêu chuẩn phương tiện hoán cải nên triển khai rất khó khăn. Chủ yếu hiện nay là các xưởng tự chế nhỏ, nên không dễ để đạt tiêu chuẩn”.

 

Làm thế nào để có phương tiện phù hợp với bản thân để học lái và sát hạch. Đây cũng là vấn đề được ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ chỉ ra. Trên thực tế, nếu quá ít người học mà lại bỏ chi phí lớn đầu tư xe tại Trung tâm đào tạo và sát hạch, giáo viên chỉ có lỗ. Trong khi đó, mỗi người khuyết tật lại ở mức độ và hình thức khác nhau, rất khó để đầu tư xe cho phù hợp. Ví dụ đối với người bị khuyết chân phải, trong khi chân ga của ô tô đặt ở bên phải thì đòi hỏi phương tiện phải được lắp bộ chuyển đổi chân ga. Giải pháp khác được đưa ra là người khuyết tật đầu tư xe, và người học được đào tạo, sát hạch dựa trên loại xe đã hoán cải và có chứng nhận kiểm định:

“Cái khó nhất hiện nay là phương tiện để tổ chức sát hạch. Có hai Loại là người có xe tự chế và qua cơ quan đăng kiểm để chứng nhận đủ điều kiện lưu hành thì sẽ tổ chức thi và sát hạch trên phương tiện đó. Thứ hai là cơ sở đào tạo đầu tư phương tiện cho người khuyết tật. Nhưng mỗi người mỗi vẻ, việc đầu tư rất khó. Trong khi đó lượng người đăng ký không nhiều. Nên chỉ có cách là vận động xã hội hóa hoặc vận động NKT tự đầu tư phương tiện và được qua cơ quan đăng kiểm thông qua. Đây là chủ trương chung của Bộ GTVT cũng như của nhà nước”.

 

Chiếc ô tô dành cho người khuyết tật tại Việt Nam. Ảnh: Tiền Phong

Cũng theo ông Nguyễn Thắng Quân, việc sản xuất 1 model xe ô tô để phù hợp với đa số NKT là khó khả thi. NKT theo đặc điểm riêng có thể đặt hàng để chế tạo, hoán cải trên cơ sở xe sẵn có. Hiện nay trên thế giới đã sản xuất, cung cấp những bộ phận để lắp ráp vào các xe có sẵn để phù hợp. NKT có thể tìm hiểu những loại hình phù hợp với bản thân. Từ đó, cơ quan đăng kiểm kiểm định và cấp chứng nhận. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại Việt Nam là hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu cho NKT tham gia giao thông, do vậy vẫn chỉ có thể sử dụng đường hỗn hợp. Việc thiết kế đường dành riêng cho NKT tham gia giao thông cũng là mục tiêu được hướng tới trong tương lai.

Trước những vướng mắc này, ông Trịnh Công Thanh, Chủ tịch Hội Thanh niên Khuyết tật Hà Nội; Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hai Bà Trưng đề xuất:

“Tôi nghĩ rằng nên thiết lập đường dây nóng. Khi có vấn đề liên quan đến quy định giao thông với NKT thì họ có đường dây nóng để gọi và nhận được hỗ trợ. NKT chúng tôi nhiều khi cầm cả thông tư đến để đăng kiểm đều bị từ chối nên ko biết trông cậy vào ai, được trợ giúp như thế nào. Vì thông tư có nhưng đơn vị thực thi không thực hiện thì chính sách tốt đẹp khó đi vào cuộc sống và NKT khó có thể nhận được hưởng lợi từ quy định đó”.

 

Có thể thấy, nhiều quy định pháp lý đang được triển khai theo hướng có lợi cho NKT. Song bên cạnh đó, khi đi vào thực thi trong cuộc sống thì không ít vướng mắc vì chưa có sự thống nhất, đồng bộ giữa các bên liên quan như cơ quan y tế, cơ quan đăng kiểm… cũng như thiếu các quy chuẩn về xe hoán cải để người dân thực hiện.

Đây cũng là những nội dung các cơ quan liên quan cần thống nhất phối hợp thời gian tới để NKT thực sự được đảm bảo quyền lợi của chính mình. Trong khi chờ hoàn thiện các quy định để NKT có thể được tự điều khiển xe thì việc gia tăng hỗ trợ cho NKT bằng phương tiện công cộng là việc cần chú trọng và đầu tư