Có dự báo, vì sao vẫn bị động, thiệt hại nặng nề do mưa lớn, ngập sâu?

Nhiều người băn khoăn: vì sao có dự báo về khí tượng, có dự báo về khả năng tiêu thoát nước mà người dân không được cảnh báo cụ thể, dẫn tới bị động và chịu nhiều thiệt hại do mưa lớn ngập sâu? Căn cứ nào để xác định hệ thống thoát nước quá tải?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Cảnh ngập tại Ngã tư Đào Tấn - Kim Mã. Ảnh: Phúc Tài

Tình trạng ngập úng nghiêm trọng trên hàng loạt tuyến đường Hà Nội trong cơn mưa lớn chiều qua được Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết là do lượng mưa đã vượt mức chịu tải của hệ thống thoát nước.

Nhiều người dân băn khoăn: vì sao có dự báo về khí tượng, có dự báo về khả năng tiêu thoát nước mà người dân không được cảnh báo cụ thể, dẫn tới bị động và chịu nhiều thiệt hại do mưa lớn ngập sâu? Căn cứ nào để xác định hệ thống thoát nước quá tải?

Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam xung quanh nội dung này.         

PV: Thưa ông, với lượng mưa như vừa qua có thực sự gây quá tải hệ thống thoát nước không? Chúng ta căn cứ vào đâu để xác định điều này?

Hiện nay Hà Nội chỉ mưa 100mm trong 2 giờ thì có thể chịu được, nhưng nếu vượt quá con số đó thì không chịu được.

Vào buổi chiều, Hà Nội thường có những đám mây tích nước, khi nhiệt độ cao lên thì đám mây sẽ lên nhanh, gặp lạnh và gây mưa. Thứ hai là khu vực nào mưa nhiều đặc biệt vào lúc 6h chiều, vào lúc cao điểm của giờ tan tầm.

Như vậy, phải quan tâm tới lượng mưa và tuyến giao thông bị ảnh hưởng, mà nhiều tuyến giao thông dày đặc khi bị mưa to cần phải giảm tải.

Về hệ thống thoát nước, Hà Nội phân chia thành 4 khu vực, chủ yếu dựa vào sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu, còn tất cả hệ thống đang ở dưới đường là hệ thống cũ, để lại từ thời Pháp thì hiện nay đã quá tải, hệ thống nhỏ quá không chịu được.

Ngoài ra, ở những khu đô thị mới mọc lên các tòa nhà đã làm mất đi khoảng không để tiêu thoát nước. Như vậy, chúng ta phải căn cứ vào lượng mưa, tuyến giao thông và hệ thống thoát nước để xét đoán xem lượng mưa sẽ ảnh hưởng thế nào.

PV: Vậy, vì sao đã có dự báo và chủ động phương án thoát nước nhưng người dân vẫn bị động và làm sao để người dân không bị động và chịu nhiều thiệt hại khi đường phố thành "sông"?

Chúng ta phải nắm chắc được lượng mưa, tiêu chí số 1 là lượng mưa mà cái này ngành khí tượng phải báo chính xác cho từng thời điểm.

Thứ hai là nắm được mưa ở những điểm nào theo đường nào từ nội thành tới ngoại thành, đặc biệt khi mưa vào buổi chiều là giờ cao điểm các tuyến đường từ nội thành tỏa ra ngoại thành để thông báo cho người di chuyển đi tuyến khác.

Hà Nội đã có kinh nghiệm với những đường thoát nước chịu được tải, nhưng nếu vượt thì họ sẽ dùng những giải pháp tạm thời như cho xe đến hút nước rồi đổ xuống các hồ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cũng liên quan đến tình trạng ngập úng nghiêm trọng ở Hà Nội chiều qua, bên hành lang Quốc hội sáng nay, trao đổi với báo chí về năng lực dự báo nguy cơ úng ngập của Hà Nội, Bộ trưởng Tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, có thể dự báo được điều này, trên cơ sở dự báo lưu lượng mưa trong một đơn vị thời gian và trên mỗi mét vuông diện tích. Vấn đề là cần làm tiếp bài toán mô hình, khả năng của hệ thống tiêu thoát nước.

Tuy vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, Hà Nội cần tăng cường công tác dự báo, nhất là trong điều kiện thời tiết cực đoan; cần tiếp cận giải pháp thiết kế đô thị thông nh, chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan trong thời gian tới.