Cơ chế đặc biệt nào cho đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Mới đây Hội đồng Thẩm định nhà nước đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xây dựng cơ chế đặc biệt triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để trình Quốc hội xem xét. Bởi đây là dự án có quy mô lớn, thời gian triển khai kéo dài, qua nhiều thời kỳ và mức vốn lớn hơn.

Phóng viên Kênh VOV Giao thông đã đối thoại với một số chuyên gia về vấn đề này. Trước hết là cuộc trao đổi với TS. Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT (Trường Đại học GTVT).

 

PV: Thưa ông, Hội đồng Thẩm định nhà nước đề nghị Bộ GTVT xây dựng cơ chế đặc biệt triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Quan điểm của ông thế nào về đề nghị này?

TS. Vũ Anh Tuấn: Triển khai đường sắt tốc độ cao rất phức tạp, nó bao gồm nhiều yếu tố: Từ kinh tế, kỹ thuật đến vận hành khai thác, công nghệ, huy động nguồn lực, nguồn vốn… Tất cả các yếu tố đó đều ở mức độ phức tạp và lớn hơn rất nhiều các dự án trước đây, đồng thời chúng ta cũng chưa có kinh nghiệm để phát triển loại hình này.

Hơn nữa, năng lực của ngành đường sắt của chúng ta còn rất yếu kém. Nhìn vào các dự án đường sắt đô thị đang triển khai đã gặp rất nhiều vấn đề, nên khi triển khai dự án đường sắt cao tốc nếu không có các cơ chế đặc thù thì sẽ không thể nào triển khai thành công được dự án này.

Đường sắt cao tốc tại Nhật Bản - Ảnh nh họa: T.N.

PV: Theo ông, cụ thể chúng ta cần có cơ chế đặc biệt nào cho Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam?

TS. Vũ Anh Tuấn: Để xây dựng cơ chế đặc thù chúng ta phải có đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm trong việc triển khai đường sắt đô thị đã gặp phải, để từ đó xây dựng chương trình, cơ chế, chính sách, lộ trình cũng như hệ thống quản lý dự án một cách phù hợp.

Ví dụ, các vấn đề tái cấu trúc lại xung quanh các nhà ga đường sắt cao tốc, điều này đòi hỏi chúng ta phải có cơ chế đặc thù liên quan đến việc phát triển quỹ đất, không chỉ cung cấp đất cho dự án mà còn phát triển kết nối các hạ tầng đường bộ, không gian đô thị và những phương thức giao thông sẽ được tích hợp với đường sắt cao tốc. Chưa kể các vấn đề phức tạp khác liên quan đến công nghệ và làm sao Việt Nam phải làm chủ được các công nghệ đó trong tương lai.

Trong cơ chế đặc thù theo tôi quan trọng nhất là thể chế, chúng ta phải có một cơ quan quản lý, triển khai thực hiện dự án có đủ quyền lực và phải đủ kết nối với các bộ ngành cũng như phải có những tương tác hai chiều mới có thể quản lý và xử lý được những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án.

PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!

Nêu quan điểm về việc lựa chọn đơn vị khai thác, vận hành sau khi Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam làm xong cũng như giải pháp đẩy nhanh quá trình triển khai dự án này, TS. Nguyễn Văn Bính, Chủ tịch Hội Kinh tế &Vận tải Đường sắt Việt Nam chia sẻ:

"Trước mắt nên giao cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thành lập một công ty khai thác đường sắt tốc độ cao nằm trong Tổng công ty để khai thác, bây giờ đang có nhân sự có kinh nghiệm việc gì phải thành lập và đào tạo 1 đơn vị khác ngoài đường sắt. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa khai thác cả đường sắt tốc độ cao vừa khai thác đường sắt thông thường là tốt. Hiện đã có bộ máy quản lý thành thạo, chỉ đào tạo thêm để phù hợp với đường sắt tốc độ cao thôi, như vậy rất thuận lợi.

Còn về công nghệ sẽ gắn liền với trang thiết bị đi cùng, chúng ta phải cân nhắc về độ tin cậy, giá cả, điều kiện nhập khẩu và điều kiện cung cấp lâu dài, đào tạo…phải có nghiên cứu tiền khả thi đưa ra nhiều phương án thì mới lựa chọn được.

Hiện nay chủ trương của Bộ Chính trị đã có, thời điểm đã có, Quy hoạch mạng lưới đường sắt đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã nêu rõ rồi, ưu tiên xây dụng 2 đoạn, nguồn vốn cũng đã dự kiến. Vì thế việc đẩy nhanh chỉ có thể khi thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để sớm duyệt nghiên cứu khả thi thì sẽ tổ chức triển khai được"./.