Ngày 20/11 vừa qua, trong khi chúng ta cảm ơn thầy cô, tôi tự hỏi không biết có bao nhiêu người cảm ơn các cuốn sách. Hay một thứ cũng rất liên quan, cái thư viện.
Trong thời đại ngày càng có nhiều lệnh cấm sách, cắt ngân sách thư viện và thậm chí nhiều cái còn bị đe dọa đánh bom, rõ ràng chúng ta biết thư viện là quan trọng và cần thiết.
Nhưng phải thú thực là, tôi cũng không ngạc nhiên nếu bạn nói, cả chục năm nay không bước chân vào một cái thư viện nào, hay thậm chí, cũng có thể, cả đời chưa từng vào thư viện.
Thư viện đầu tiên tôi từng vào là hồi học trung học. Là học sinh giỏi cấp tỉnh, tôi được tặng thẻ thư viện ễn phí. Tôi nhớ mình đã kinh ngạc trước không gian này: một căn phòng hình chữ nhật với những giá sách nhôm, chất đầy sách từ sàn đến trần.
Chính tôi, khi còn là một đứa trẻ, tôi đã nghĩ rằng tôi đang ở trong một hang động chứa đầy những cuốn sách, được viết bởi những người xuyên thời gian và trên khắp thế giới, rằng mỗi tập sách có thể chứa hàng nghìn ý tưởng, và tôi tự hỏi, làm cách nào để có thể ghi nhớ tất cả những ý tưởng đó trong đầu.
Tất cả tri thức của nhân loại, vào thế kỷ III trước Công nguyên, đều nằm trong khoảng 100.000 đầu sách trong thư viện Alexandria. Con số này, khá bất ngờ, hoặc không, tương đương với số đầu sách trong một thư viện tỉnh ở Việt Nam.
Nghĩ đến chuyện tôi có thể được tiếp cận, một cách dễ dàng, với lượng kiến thức tương đương với các học giả hàng đầu thời cổ đại, tôi lại thấy rùng mình. Bởi chăng, chúng ta có thể làm được gì với lượng kiến thức đó?
Tôi là một độc giả đầy tính cá nhân. Năm 19 tuổi, tôi đọc khá nhiều triết học. Trong những đêm trắng ở ký túc, tôi đọc sách của Marx, Nietzsche, Luận ngữ của Khổng Tử, và cả một ít kinh sách Phật giáo.
Những cuốn sách này, ngày nay, rất có thể bạn chỉ có thể tìm thấy khi lang thang trên mạng, là những bản scan nhòe nhoẹt thiếu trang. Bản gốc nằm trong hầu hết các thư viện. Đó đều là những cuốn chỉ được in 1-2 lần, vài nghìn bản, chẳng có mấy người muốn đọc và chẳng có mấy nhà xuất bản dám ra.
Chúng đều không phải là những cuốn-sách-thực-dụng. Nhưng thực ra lại là tất cả những gì tôi nghĩ mình cần ở các cuốn sách. Cũng như các thư viện, không phải là một sự tồn tại thực dụng, thậm chí, gần như là một loại tượng đài, một thứ trang sức trong thành phố.
Gần đây, hai trong số các nhà sáng lập của thư viện online lớn nhất thế giới (người Nga) đã bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và Cục điều tra Liên bang (FBI) cáo buộc về các tội danh vi phạm bản quyền, đường dây lừa đảo và rửa tiền.
Trang thư viện vẫn sống lại dưới tên ền mới, với tuyên bố, tôi trích dịch, “Chúng tôi tin rằng kiến thức và di sản văn hóa của nhân loại nên được tiếp cận bởi tất cả mọi người trên khắp thế giới, bất kể giàu nghèo, địa vị xã hội, quốc tịch, quyền công dân, v.v.”
Tôi đồng ý với tuyên bố của họ, nhưng không hẳn đồng ý với chuyện vi phạm bản quyền. Và tôi lại nghĩ, không phải đó chính là ý nghĩa tồn tại của thư viện, hay sao?