Chuyên gia nói gì về dự thảo 11 lỗi vi phạm bị tước GPLX

Người có bằng lái xe không chỉ là những người dùng xe để đi lại hàng ngày, mà một bộ phận trong đó còn dùng ô tô hay xe máy để làm phương tiện sinh kế. Cho nên nếu tước GPLX ngay lập tức, có thể sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân.

(Ảnh: Nguyễn Sử/Kênh VOVGT)

Mới đây, Bộ Công an vừa trình Chính phủ xem xét dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, trong đó có đề xuất quy định 28 lỗi vi phạm bị trừ điểm và 11 lỗi vi phạm bị tước bằng lái, những hành vi được đề xuất tước bằng lái là những hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông. Điển hình như 11 hành vi sau sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX:

- Trong cơ thể có chất ma túy, trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

- Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

- Xe mô tô, xe gắn máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h đi vào đường cao tốc (trừ các xe phục vụ, quản lý bảo trì đường cao tốc).

- Đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.

- Lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép.

- Xe ô tô chạy quá tốc độ trên 35 km/h, xe mô tô, xe gắn máy, xe máy chuyên dùng chạy quá tốc độ trên 20 km/h.

- Xe ô tô chở khách, xe ô tô chở người (trừ xe buýt) chở quá số người vượt trên 100% số người được phép chở.

- Xe ô tô chở hàng vượt quá trọng tải cho phép trên 150%.

- Xe ô tô chở hàng mà tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 150%.
Không chấp hành việc kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn của xe.

- Vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ gây tai nạn giao thông; gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia giao thông - Tiến sĩ Phan Lê Bình cho rằng: “Việc thi lấy bằng lái xe đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức của người dân. Vì vậy, tước bằng GPLX khi có lỗi vi phạm ngay lập tức tôi nghĩ khá là nặng. 

Ví dụ ở những nước khác, người ra đều có những chế tài nặng nhưng song song vẫn có những biện pháp có thể nói là cứu chữa cho những trường hợp như vậy. Hay ở Nhật Bản, thay vì tước bằng lái xe ngay lập tức, người ta bắt buộc những người mà có lỗi vi phạm nặng là phải đi học về an toàn giao thông trong nửa ngày hay 1 ngày. Sau một quá trình dài lặp đi lặp lại mới tính đến chuyện tước bằng lái xe”.

Cũng theo TS Phan Lê Bình, người có bằng lái xe không chỉ là những người dùng xe để đi lại hàng ngày, mà một bộ phận trong đó còn dùng ô tô hay xe máy để làm phương tiện sinh kế. Cho nên nếu tước GPLX ngay lập tức, có thể sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân.

Bên cạnh đó, trong Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng đề cập đến việc chuyển sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX), giám sát chấp hành pháp luật của tài xế cho Bộ Công an phụ trách thay vì Bộ GTVT như hiện nay. 

Bởi lẽ, các quy định về sát hạch cấp GPLX; quản lý cấp mới, cấp lại, cấp đổi GPLX hiện nay chưa được quy định trong Luật mà quy định trong thông tư của bộ quản lý chuyên ngành, thực tiễn triển khai thực hiện việc cấp, quản lý GPLX còn sơ hở, bất cập.

Qua công tác nghiệp vụ, lực lượng chức năng nhiều lần phát hiện có trường hợp lái xe sử dụng chất ma túy, lái xe không biết chữ, thậm chí có trường hợp mắc bệnh tâm thần vẫn được cấp GPLX, hay đang trong thời gian chấp hành án vẫn được đổi GPLX…