Chuyển đổi xanh, doanh nghiệp không thể đứng ngoài

Mới đây UBND TP.HCM đã công bố kế hoạch tổ chức Diễn đàn kinh tế TP.HCM lần 5 năm 2024 với chủ đề “ Chuyển đổi công nghiệp - động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM”.

Điều này cho thấy một tư duy mới, một cái nhìn mới về xu hướng chuyển đổi công nghiệp bên cạnh các thế mạnh truyền thống của TP.HCM. Trao đổi về vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM.

 

Ảnh nh họa

PV: Từ góc nhìn của mình thì ông đánh giá như thế nào về quá trình chuyển đổi công nghiệp của các doanh nghiệp tại TP.HCM ra sao?

Ông Nguyễn Ngọc Hòa: Quá trình chuyển đổi công nghiệp của các doanh nghiệp tại TP.HCM thời gian qua có nhiều nỗ lực, tuy nhiên xuất phát điểm của việc chuyển đổi phần lớn đến từ đòi hỏi của thị trường, của khách hàng.

Để có đủ điều kiện xuất khẩu hay trúng thầu các đơn hàng thì người mua đòi hỏi chúng ta phải chuyển đổi xanh, phải sử dụng năng lượng xanh, có giải pháp để tăng năng suất, xử lý chất thải trong sản xuất. TP đã chỉ đạo cho từng Sở ngành cơ quan xây dựng chiến lược chuyển đổi của ngành mình. Việc này vừa phục vụ cho việc trước mắt vừa phục vụ cho chiến lược dài hạn theo kế hoạch đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045-2050.

Trong Diễn đàn lần này, thực hiện theo phân công của Thủ tướng thì Thành phố đã ký kết với Diễn đàn kinh tế thế giới về việc thành lập Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0.

Trung tâm này sẽ là đầu mối để chúng ta trở thành 1 hệ sinh thái chuyển đổi công nghiệp vừa là hạt nhân kết nối chúng ta với các quốc gia, các doanh nghiệp, các đơn vị tư vấn, cung cấp giải pháp, đồng thời là cơ quan tư vấn cho các doanh nghiệp tham gia quá trình chuyển đổi.

PV: Theo ông thì các doanh nghiệp của chúng ta gặp những khó khăn gì trong quá trình chuyển đổi công nghiệp hay chuyển đổi xanh?

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa: Đại bộ phận doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên đòi hỏi phải tìm được giải pháp phù hợp.

Quan trọng nhất là nắm được công nghệ và đủ lực để tiếp nhận, đầu tư cũng như có đủ chuyên gia công nghệ để vận hành công nghệ đó. Tuy nhiên theo tôi thì điểm mấu chốt và tiền đề của mọi vấn đề là nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp.

Để phục vụ cho việc này, Thành phố đã chủ động đưa toàn bộ nội dung, giải pháp xử lý cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đầu tư cho công nghệ vào Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù.

Do đó, tất cả doanh nghiệp đầu tư trong các chương trình chuyển đổi này đều được hưởng những chính sách hỗ trợ về lãi suất với những mức độ khác nhau, thời gian hỗ trợ lên đến 7 năm và quy mô dự án có thể đạt tới giá trị 200 tỷ đồng.

Ngoài việc có trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ thì thành phố cũng tiếp thêm đòn bẩy tài chính để giải quyết bài toán về nhân lực.

Hiện nay thành phố cũng đã chỉ đạo các cơ quan, trường đại học lớn đưa vào chương trình đào tạo để chủ động tạo ra được đội ngũ chuyên gia

PV: Ông có cho rằng các doanh nghiệp của chúng ta có thực sự sẵn sàng để tham gia cuộc chơi chuyển đổi công nghiệp, chuyển đổi xanh?

Ông Nguyễn Ngọc Hòa: Chúng tôi cho rằng thông qua Diễn đàn lần này sẽ giúp cho doanh nghiệp nhận thức được rằng việc chuyển đổi này mang lại động lực mới cho doanh nghiệp phát triển cũng như tạo ra năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ngoài những động lực truyền thống từ trước đến nay thì bây giờ phải tìm thêm những động lực mới để đem lại giá trị gia tăng, không chỉ giúp doanh nghiệp đi xa hơn mà còn giúp nâng tầm thị trường nội địa bởi người dân cũng có quyền đòi hỏi, thụ hưởng thành quả của công cuộc chuyển đổi này.

Nói cách khác là không còn lựa chọn nào khác, nếu không chuyển đổi thì không có khả năng cạnh tranh cả trong nước lẫn thị trường quốc tế.

PV: Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!