Chuyển đổi thẻ từ ATM sang chip: Các ngân hàng nên chủ động thực hiện và trả cho khách

Thời hạn ngày 31/12/2021, 100% thẻ nội địa đang lưu hành sẽ được chuyển sang thẻ chip sắp kết thúc, nhưng hiện nhiều người dân vẫn chưa thực sự mặn mà với việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.

Trong khi đó, các ngân hàng vẫn đang gặp nhiều khó khăn để có thể chuyển đổi hết các thẻ từ sang thẻ chip cho khách hàng. Vì thế, mục tiêu đến hết năm nay sẽ chuyển đổi 100% sang thẻ chip được cho là khó khả thi.

Thời điểm mới nào để hoàn thành việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip?

Anh Hoàng Minh Thông, nhân viên văn phòng ở phố Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, anh đã nghe thông tin phải đổi thẻ từ sang chip để bảo mật thông tin trước ngày 31/12. Tuy nhiên, anh chưa có ý định đi đổi chiếc thẻ từ ATM bởi nếu chi tiêu, anh có thể sử dụng ứng dụng của ngân hàng để thanh toán.

Anh cho biết, thẻ ATM của mình được cấp từ lâu, tuy nhiên trong các giao dịch hàng ngày, anh thường dùng thanh toán hóa đơn điện tử, ít khi dùng thẻ ngân hàng để trực tiếp thanh toán nên không quá lo lắng phải đi đổi thẻ. Mặt khác, căn cước công dân mới anh đã làm nhưng chưa được trả nên cũng không đủ điều kiện để tới ngân hàng làm thủ tục.

Thực tế thời gian qua, một số ngân hàng thương mại đã thông báo ngừng hỗ trợ thẻ ATM công nghệ từ và khuyến khích khách hàng sớm chuyển đổi sang thẻ chip có độ bảo mật cao hơn, an toàn hơn để không bị gián đoạn trong quá trình giao dịch.

Một số ngân hàng đã ễn phí chuyển đổi thẻ chip mới, đồng thời chủ động gọi điện, nhắn tin cho chủ thẻ. Tuy nhiên, số lượng người phản hồi không như kỳ vọng. Theo bà Nguyễn Thị Thùy Trang, Phó Giám đốc Khối vận hành SeABank cho biết, lý do chính nằm ở việc khách hàng vẫn còn tâm lý ngại thực hiện các thủ tục chuyển đổi.

Nhiều người cho biết, dù biết thẻ chíp có ưu điểm về bảo mật hơn thẻ từ và đang được ngân hàng hỗ trợ chuyển đổi ễn phí nhưng vì thẻ cũ vẫn sử dụng được nên họ chưa mặn mà thực hiện việc đổi thẻ.

Theo Chi hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 110 triệu thẻ ATM. Đến thời điểm này, mới có khoảng 30 - 40% trong số này được chuyển sang thẻ chip. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản nhấn mạnh, không có quy định về việc dừng hoặc từ chối giao dịch thẻ đối với thẻ ATM từ nội địa đang lưu hành.

Do đó, sau ngày 31/12/2021, khách hàng có thẻ từ nội địa vẫn có thể sử dụng để thực hiện các giao dịch theo đúng quy định pháp luật.

Trước thực tế này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty luật Basico cho rằng, việc bảo đảm quyền lợi của chủ thẻ khi chưa chuyển sang thẻ chip là trách nhiệm của các ngân hàng. Nếu không chuyển đổi sang thẻ chip cho khách hàng, trường hợp khách hàng giao dịch phát sinh rủi ro thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, các ngân hàng cần chủ động các giải pháp để chuyển đổi cho khách hàng.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, xu thế hiện nay là giảm giao dịch trực tiếp, ngay cả việc mở tài khoản lần đầu cũng có thể giao dịch từ xa thì với việc chuyển đổi này, chỉ cần cập nhật lại thông tin. Các ngân hàng nên chủ động thực hiện và liên hệ trả thẻ cho khách hàng thay vì bắt họ phải đến làm lại. Bản chất chiếc thẻ cũ đã hợp lệ rồi bây giờ nâng cấp lên thì ngân hàng cần chủ động làm cho khách hàng để giảm nguy cơ tiếp xúc và lây lan dịch bệnh.

Việc chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM từ sang thẻ chip trước ngày 31/12/2021 gặp nhiều khó khăn. Do vậy, các ngân hàng, Chi hội thẻ Ngân hàng và các chuyên gia kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét gia hạn thời gian chuyển đổi.

Tuy vậy, để đảm bảo độ bảo mật, an toàn cao cho thẻ ATM, vẫn cần có lộ trình chuyển đổi cụ thể; đặt ra thời hạn mới để yêu cầu các tổ chức tín dụng đến thời điểm đó phải hoàn thành việc chuyển đổi theo yêu cầu.