Chuyện 2 vợ chồng cứu hộ lốp trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Trong chuyến hành trình lên Tây Bắc, PV VOV Giao thông có dịp gặp vợ chồng anh Đặng Đức Độ và chị Nguyễn Thị Tưởng ở xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) làm nghề cứu hộ lốp trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Từ đây, câu chuyện và kỷ niệm trong quãng thời gian làm nghề cứu hộ trên tuyến cao tốc này đã được hai anh chị kể lại.  

Anh Độ làm nghề này được 8 năm, đoạn đường anh đảm nhận là từ Km 00 đến Km 79. Trong quá trình làm việc cũng có nhiều khó khăn, nguy hiểm vì đa phần thời gian xe gặp sự cố vào ban đêm.

Thời điểm này tầm nhìn hạn chế, đường lại xấu hằn lên những gờ sống trâu nên đôi khi lái xe sẽ không thể thấy hết những vật cản vô tình rơi ra đường nên lao phải rồi hỏng lốp. 

Vợ chồng anh Đặng Đức Độ và chị Nguyễn Thị Tưởng

Để xử lý sự cố, ngay sau khi tiếp nhận thông báo, anh Độ sẽ trực tiếp liên hệ với lái xe, hỏi về tình trạng lốp, từ đó lên phương án cứu hộ.

Trước khi cúp máy, anh cũng không quên nhắc lái xe hãy cố gắng di chuyển vào làn khẩn cấp, bật và đặt cảnh báo từ xa.

Trên thùng chiếc xe hành nghề của vợ chồng anh Độ, chị Tưởng.

Trên thùng xe tải của vợ chồng anh Độ luôn đầy đủ đồ nghề “chữa bệnh” cho lốp,  từ máy phát điện, máy bơm hơi, máy làm lốp và các loại cờ lê, mỏ lết,… nhìn thùng xe chẳng khác nào một trạm sửa chữa biết đi.

“Thông thường tôi sẽ hỏi về sự cố lái xe đang gặp phải. Nếu vào trường hợp phải thay lốp xe tôi sẽ nhắn lái xe cung cấp thông số lốp, có nhiều trường hợp lái xe không biết cụ thể tôi sẽ nhắn chụp ảnh cả lốp xe gửi cho tôi để có phương án khắc phục, cùng với đó là gửi định vị vị trí để nắm rõ chính xác nhất vị trí khách đang gặp sự cố”, Anh Độ nói.

Chị Tưởng vợ anh Độ đảm nhận công việc cảnh báo từ xa, phụ giúp cho anh Độ khắc phụ sự cố lốp xe.

Cùng thực hiện công việc cứu hộ trên đường cao tốc anh Độ có một “thợ phụ”, đó cũng chính là vợ của anh - chị Nguyễn Thị Tưởng.

Trước đó, chị Tưởng làm công nhân, nhưng từ khi xuất hiện dịch COVID-19 chị nghỉ việc rồi xin vào công ty anh Độ làm.

Anh Độ chia sẻ, nhiều lúc nhìn vợ cùng mình "vần" lốp xe, rồi lấy búa tạ đập giúp để ra lốp xe mình cũng thấy thương vợ. Nhưng có vợ đồng hành mình cũng yên tâm để làm nghề hơn.

Nhiệm vụ của chị Tưởng là ngay sau khi tiếp cận sự cố, sẽ đặt chóp, đèn phản quang và trực tiếp đứng để cảnh báo cho các phương tiện khác đang lưu thông. Còn sau khi xử lý xong thì phụ anh Độ thu dọn hiện trường sạch sẽ.

“Có lần xe cần sửa gặp sự cố đúng lúc trời mưa to và gió giật mạnh. Khi 2 vợ chồng lên tới điểm xe gặp sự cố đỗ xe lại gió thổi nghiêng cả thùng xe của chúng tôi. Lúc đó, tôi còn bảo chồng hay là lấy dây xích buộc thùng xe của mình vào lan can để không bị lật.

Rồi có hôm trời lặng thì xe gặp sự cố lại là loại xe đầu kéo, lốp xe to, cao và rất nặng, tôi lại phụ chồng khiêng lốp vào làn khẩn cấp để xử lý”, chị Nguyễn Thị Tưởng chia sẻ.

"Khi làm nghề này mình cũng thêm thấu hiểu nỗi vất vả của ông xã. Cũng có những khó khăn, nguy hiểm, nhưng nghề đã chọn mình rồi mình sẽ cố gắng để hoàn thành" - chị Tưởng nói

Khi được phóng viên VOV Giao thông phỏng vấn về kỷ niệm nhớ nhất trong thời gian hành nghề anh Độ kể, có lần một chiếc xe tải “2 chân” bị nổ lốp ngay ở làn cho phép chạy tốc độ cao nhất, trên thùng lại xe đầy hàng nên xe nặng không thể cố lái vào làn khẩn cấp được, hai vợ chồng phải làm ngay tại đó.

Vì đêm muộn, có bác tài đi từ sau không để ý chóp và đèn phản quang cảnh báo nên vẫn di chuyển, chỉ khi cách xe gặp sự cố 15m mới phát hiện ra để phanh và đánh lái, lúc đó cả 2 vợ chồng đều hoảng hồn, tưởng rằng mình đã bị đâm rồi.

Nhiều khi gặp những trường hợp nặng, bánh xe bị xé toang ra, vợ chồng anh chị lại bình tĩnh xử lý và cũng không quên an ủi chủ xe rằng "của đi thay người, mọi sự bình an là may mắn rồi"
Anh Độ cẩn thận lót khăn lên vành xe ô tô trước khi tì dụng cụ vào để bẩy lốp hỏng ra ngoài, việc này hạn chế vành xe bị tác động xước sát trong quá trình làm.
Theo anh Độ, lốp là một trong những bộ phận rất quan trọng và liên quan trực tiếp đến an toàn khi vận hành xe, vì vậy khi xử lý sự cố phải hết sức cẩn trọng, không được vội vàng.
Có trường hợp do lốp xe bị xé rách hoàn toàn, nên anh Độ phải dùng máy cắt, cắt lốp xe bị hỏng mới có thể thay thế lốp mới.
Sau khi làm xong, anh Độ sẽ tỉ mẩn kiểm tra lại một lần nữa bề mặt lốp mới thay để xem có bị dò hơi hay không sau đó mới bàn giao lại xe cho tài xế.

Thông thường vợ chồng anh Độ mất khoảng 35 - 40 phút để xử lý một sự cố về lốp, thời gian xử lý sự cố có thể kéo dài hơn nếu như trường hợp nặng hoặc thay cho các loại xe to như xe đầu kéo, xe giường nằm, xe khách loại 45 chỗ hoặc các loại xe tải.

Về giá cả sẽ tùy từng loại lốp, từng đời xe và những công việc phải làm, nếu chỉ vá lốp giá từ 500.000 đồng đến 550.000 đồng, còn nếu phải thay lốp, anh Độ sẽ liên hệ với chủ xe trước để hỏi về thông số kỹ thuật, đời xe và báo giá, khi được sự đồng ý của chủ xe anh Độ mới tiếp cận và thay. 

Qua những lần cứu hộ trên cao tốc, anh Độ mong rằng, các bác tài khi lưu thông trên đường cao tốc hãy đi đúng tốc độ vì nếu gặp sự cố cũng sẽ phần nào giảm thiểu thiệt hại. Cùng với đó, hãy thường xuyên kiểm tra kỹ thuật của xe đặc biệt là phanh, lốp xe, đèn xe,… trước khi bắt đầu hành trình.

Còn khi gặp sự cố trên cao tốc các bác tài hãy thật bình tĩnh, đặt biển cảnh báo từ xa và báo về trạm điều hành qua số đường dây nóng để được hỗ trợ, tránh tình trạng gọi theo những số không phải của trạm sẽ gặp những người làm với giá cao.

“Công ty quản lý chúng tôi đều đã có đăng ký với trạm điều hành, hàng năm chúng tôi cũng được tập huấn để hành nghề, thực hành xử lý những tình huống, sự cố trên cao tốc an toàn. Cùng với đó giá cả khắc phục sự cố cũng được công ty quy định từ trước và quán triệt không được bắt chẹt hay hét giá quá cao”, anh Độ nói./.