Chương trình đường tin 18h ngày 18/01: Điều chuyển giáo viên phổ thông đi dạy bậc mầm non

VOVGT - Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đang tồn tại một nghịch lý là vừa thiếu vừa thừa giáo viên: thừa giáo viên bậc học phổ thông và thiếu giáo viên mầm non.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp thực hiện rà soát, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên THCS và THPT được điều chuyển dạy mầm non và tiểu học trong thời gian tới. Theo Bộ GD&ĐT, thời gian qua, nhiều địa phương đã quan tâm xây dựng quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó chú trọng quy hoạch mạng lưới trường lớp các cấp học; quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ giáo viên, gắn đào tạo, bồi dưỡng với tuyển dụng và bố trí, sử dụng đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, còn một số địa phương làm chưa tốt dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ (thừa giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông, thiếu giáo viên mầm non, tiểu học). Một số địa phương đã điều chuyển giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông dạy tiểu học và mầm non khi chưa được đào tạo, bồi dưỡng đạt tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học theo quy định làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Tình trạng dôi dư, thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học từ mầm non tới phổ thông

Là một trong những địa phương “nổi cộm” với bất cập thừa – thiếu giáo viên, bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện Thanh Hóa thừa 2.188 giáo viên cấp THCS, thiếu 1.405 giáo viên ở bậc Mầm non. Bà Phạm Thị Hằng thừa nhận, tình trạng thừa-thiếu giáo viên ở các bậc học không chỉ xảy ra ở tỉnh Thanh Hóa mà còn ở nhiều địa phương khác. Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thừa giáo viên ở bậc THCS nhưng lại thiếu ở bậc mầm non là do sự biến động về dân số, quy mô học sinh ở các bậc học...trong khi các cơ quan Nhà nước đang thực hiện tinh giản biên chế. Trước tình trạng thừa – thiếu giáo viên này, bà Hằng cho biết, ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa đang đề xuất với địa phương và Bộ GD&ĐT có biện pháp đảm bảo đủ giáo viên ở bậc mầm non và giải quyết tình trạng thừa giáo viên ở bậc THCS để tránh tình trạng thừa ở bậc học này nhưng lại thiếu ở bậc học kia. Theo đó, Thanh Hóa vẫn đang giao các địa phương khảo sát thống kê số giáo viên dôi dư ở bậc THCS và hướng sắp tới sẽ là chuyển xuống dạy ở bậc mầm non, tiểu học một cách có phân loại. Bà Phạm Thị Hằng cho biết:

"Tỉnh Thanh Hóa đang giao các địa phương rà soát lại số giáo viên dôi dư ở bậc THCS và hướng sắp tới sẽ bố trí chuyển xuống dậy tiểu học và mầm non. Nhưng chúng tôi phải phân loại, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn và có thành lập hội đồng, công khai, khách quan, công bằng và nh bạch."

Nói về tình trạng thừa giáo viên cục bộ ở bậc THPT, THCS, thiếu ở bậc mầm non nên nhiều địa phương đã đưa đối tượng này về dạy mầm non, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, các địa phương cần thận trọng việc điều chuyển giáo viên bởi mỗi cấp dạy có những tiêu chuẩn về chuyên môn riêng. Bộ GD-ĐT đang phối hợp với các trường cao đẳng sư phạm ở địa phương đào tạo lại đội ngũ này để đạt chuẩn, đảm bảo công tác dạy học ở các bậc mầm non. Đồng tình với quan điểm này của Bộ GDĐT, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng

"Việc điều chuyển yếu tố đầu tiên là người ta phải tình nguyện, có thể đóng góp được. Thứ hai là phải được huấn luyện lại vì giáo dục, tâm lý trẻ mầm non hoàn toàn khác với các bậc học cao hơn, khi huấn luyện cũng cần được kiểm tra, đánh giá, ai đạt được thì mới chuyển, còn thời gian huấn luyện không cần kéo dài."

Theo các chuyên gia giáo dục, dù biết việc điều chuyển thừa – thiếu giữa các bậc học là tình thế nhưng chúng ta vẫn phải tôn trọng chất lượng. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần đẩy mạnh công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, gắn với quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên các cấp học phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.