Chốt hợp đồng, không cần bàn nhậu

Từ khi có COVID-19, đã ai quên khái niệm “đi tiếp khách”, “đi giao lưu với đối tác”… hay những thứ tương tự trên bàn tiệc không? Và có ai thấy công việc vẫn trôi chảy, sức khỏe tốt lên mà không cần phải “mượn” bia rượu hay không?

Chốt hợp đồng mà không cần qua bàn nhậu, nhiều người đã từng nghĩ rằng, điều đó là không thể.

Những tràng “hò kéo bia” rôm rả - đặc sản của quán nhậu trước khi COVID-19 xuất hiện - thường là thứ phải có nếu muốn ký hợp đồng, đặt quan hệ. Dù năng lực nhà thầu tốt đến mấy, nếu không có “cú chốt” này, việc chưa chắc đã “trôi”.

Thành Nam, kiến trúc sư một công ty thiết kế tại Hà Nội, vẫn còn nhăn mặt khi kể lại những trận “giao lưu”: “Vui thì có vui nhưng mang tính chất công việc thì nó không thoải mái. Bởi vì ép buộc nhiều hơn là phần là tự nguyện. Có lần tôi say trước đối tác, hôm đó không thể bàn được công việc gì. Khi đi về, mình say rượu, nôn mửa, cáu gắt với vợ con. Tỉnh lại rất ân hận.”

Chuyện của Nam không hiếm, nó đã thành “cái lệ”, khiến nhiều hợp đồng biến thành “món tráng ệng”. Người ký chưa thèm “động đũa”, còn người đợi chữ ký thì “nhấp nhổm” chẳng thiết ăn gì. Còn rượu bia, đương nhiên, vẫn rót đều. Thành Nam nói vui, COVID-19 rất khổ sở, nhưng mỗi lần tiếp khách thậm chí còn khổ hơn. Cái khổ “lây” sang cả sang vợ, con.

Văn hóa làm việc hay ký hợp đồng trên bàn nhậu không còn là điều xa lạ với dân kinh doanh tại Việt Nam

Cách đây 2 năm, cứ đều đặn một tháng thì 15 ngày, chồng chị Trần Hoa ở Hoàng Mai, Hà Nội phải nhờ người “bế” về nhà. Với anh chồng, “tháng nào không đối tác coi như đói” nên buộc phải tiếp rượu, tìm hợp đồng.

“Anh ấy công việc bận, về muộn, ảnh hưởng dạ dày, mỡ máu, thường xuyên tiếp khách nhậu nhẹt nên tôi rất lo. Mình kiếm tiền xong lại đi chữa bệnh thì có đáng không?”

Chị Trần Hoa hay Thành Nam đã trải qua những mệt mỏi, chán chường, và lo lắng khi buộc phải coi bia rượu là một phần của công việc, mà nếu không theo số đông thì cơ hội bị bỏ lỡ, việc bất thành. Họ đã từng thốt lên: Không lẽ cứ như thế mãi hay sao?Nhưng cũng chính họ, qua 2 năm Covid đã nhìn thấy một sự thật khác. Không một giọt rượu, Thành Nam vẫn xây được vài căn nhà cho khách. Còn gia đình chị Hoa thì chẳng hề “bị đói” như chồng chị vẫn lo:

“Cũng phải cảm ơn dịch bệnh. Trước khi có dịch bệnh thì mỗi lần bàn giao công việc, đối tác anh em đều muốn đi. Đến thời điểm Covid, mọi người ý thức được là không cần thiết phải nhậu. Bây giờ không bàn việc trên bàn nhậu thì rất tích cực, bớt được phần kinh tế để làm quà cho anh em. Thứ hai là công việc suôn sẻ hơn.”

“Gần như 24/24 ở nhà, chồng tôi vẫn dành thời gian chơi với con, nấu cơm trưa và tối. Bé nhà tôi còn phát biểu là con thấy bố mẹ vào bếp cùng nhau là rất vui, con rất thích cảnh này. Có Covid tuy bất lợi nhưng công việc chồng tôi vẫn trôi chảy, vẫn ký được những công trình mà trước nay tôi nghĩ cứ phải gặp tiếp khách mới có. Còn sức khỏe thì tốt lên rõ ràng.”

Dịch Covid-19 đã phần nào thay đổi thói quen "chốt đơn trên bàn nhậu"

Chị Hoa và anh Nam đang tràn trề hi vọng. Nhưng sự thay đổi này sẽ duy trì được bao lâu, họ cũng chưa dám chắc, nếu như các đối tác của họ chỉ tạm lánh rượu bia vì Covid. Nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng, vấn đề nằm ở sự lựa chọn của mỗi người, không nhất thiết đợi người khác thay đổi:

“Thực ra chúng ta là những gì chúng ta chọn, tại sao ta lại chọn cứ phải nhậu mới có hợp đồng? Trong khi không thể nghĩ ra cách khác để có hợp đồng hay sao? Rõ ràng 2 năm qua, các DN có nhiều cách để có khách hàng, làm được điều gì đó cho xã hội hoặc bản thân họ.”

PGS. TS Phạm Ngọc Trung, chuyên gia văn hóa thì lạc quan hơn, cho rằng chính Covid-19 đã làm thay đổi nhận thức, tạo điều kiện để người dân được quyền lựa chọn chủ động, tích cực. Và đó là lựa chọn không vương hơi men:

“Không phải tự nhiên nó giảm đâu, nhu cầu ăn uống vẫn có nhưng do Covid thì giảm đi. Thứ hai một số người tự giác không tham gia ăn nhậu. Thứ ba là giảm quy mô, số lượng và giảm nhậu nhẹt bia rượu, nó không gây căng thẳng như trước. Có hội thảo khi họp xong thì ngày xưa có tổ chức liên hoan ăn uống, nhưng bây giờ đều không ăn uống gì cả. Đó cũng là điều kiện khách quan để cho cái tệ nạn ăn nhậu trước đây không có đất để phát triển.”