Chợ tự phát ngang nhiên hoạt động bất chấp quy định phòng dịch và ATGT

Như Kênh VOV Giao thông đã phản ánh nhiều lần các điểm mua bán tự phát xuất hiện xung quanh các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM, ảnh hưởng đến các tiểu thương mua bán trong chợ cũng như công tác phòng chống dịch của thành phố.

Mặc dù cơ quan chức năng mỗi đêm thường xuyên kiểm tra xử phạt thế nhưng tình trạng này không những không được dẹp bỏ, ngược lại các điểm bán ven đường như thế này ngày càng hoạt động nhộn nhịp hơn bất chấp quy định.

 

VIDEO: CHỢ TỰ PHÁT NGANG NHIÊN HOẠT ĐỘNG XUNG QUANH CHỢ ĐẦU MỐI NÔNG SẢN HÓC MÔN BẤT CHẤP QUY ĐỊNH

Theo ghi nhận của PV VOVGT, thời điểm 3 – 4h sáng hàng ngày là lúc các điểm bán tự phát xung quanh chợ đầu mối Hóc Môn hoạt động sôi nổi. Đây là nguyên nhân chính làm sức mua trong chợ bị giảm.

Điều đáng nói những điểm bán bên ngoài như thế này rất khó kiểm soát nguồn gốc sản phẩm, và tiềm ẩn nguy cơ lớn về lây lan dịch bệnh. Vắng khách, giảm sức mua là câu chuyện mà bà Trần Thị Ánh Tuyết cũng như nhiều tiểu thương khác tại chợ đầu mối Hóc Môn đang phải đối mặt.

Chia sẻ với VOVGT, bà Trần Thị Ánh Tuyết – Tiểu thương chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM cho biết: “Lúc chợ chưa có dịch bán 40-50 con heo một ngày, giờ bán cỡ 16 - 18 con thôi. Bây giờ lượng khách mua người ta tập trung ở bên ngoài người ta mua, trong này người ta quản lý kỹ về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn ở bên ngoài tôi thấy không kiểm gì hết ai muốn bán gì thì bán”.

Nhiều tiểu thương bức xúc mong muốn chính quyền địa phương xử lý mạnh tay hơn đối với các chợ tự phát 

Chị Võ Thi My - Một tiểu thương khác tại chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM cũng bức xúc chia sẻ: “Có nhiều khách hàng người ta rất là ngại khi vào chợ vì phải thực hiện đầy đủ 5K, còn ở ngoài tấp xe vào là mua được hàng đi về, khỏi cần chờ đợi. Mong muốn chính quyền địa phương ở đây mạnh tay hơn để các tiểu thương làm ăn bình thường”.

Cũng như bao tiểu thương khác Chị Huỳnh Thị Ánh Phương - Tiểu thương chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM cho hay: “Sức mua trong chợ giảm khoảng 50%. Trước đây một ngày có thể bán 4 -5 tấn,hiện giờ chỉ bán được mấy trăm kí hoặc 1 tấn trở lại. Khách vào mua thì phải quét mã QR, giữ khoảng cách, khẩu trang 100%”.

Hiện nay chợ đầu mối Hóc Môn đã hoạt động gần 100% công suất. Tuy nhiên, mỗi đêm lượng hàng chỉ đạt khoảng 50-60%, vì sức mua còn rất chậm. Dù người ra vào chợ chỉ cần khai báo tại từng quầy sạp mua bán, thế nhưng nhiều người vẫn ngại vào, mà chọn mua ở những điểm bán tự phát bên ngoài.

Trao đổi với VOV Giao thông, ông Nguyễn Tiến Dũng – GĐ Công ty TNHH Quản lý và khinh doanh chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, TP.HCM mong muốn:

“Tôi mong các cấp chính quyền hỗ trợ dọn dẹp các chợ tự phát. Chợ tự phát gây ảnh hướng lớn đến các thương nhân ở trong chợ, trong này các mặt hàng luôn được kiểm tra an toàn thực phẩm một cách nghiêm ngặt. Thịt heo mà không qua  kiểm tra an toàn thực phẩm thì nguồn hàng này rất nguy hiểm, và như vậy sẽ tạo điều kiện cho giết mổ lậu.

Đây là sự cạnh tranh không công bằng. Bên trong chợ người ta kiểm soát chặt chẽ, đóng phí, nộp thuế. Còn bên ngoài thì cái gì cũng không, không thuế, không phòng chống dịch, gây ách tắc giao thông”.

Liên quan đến hoạt động chợ tự phát ảnh hưởng tới công tác phòng chống dịch của thành phố cũng như ảnh hưởng đến hoạt động mua bán của các tiểu thương trong chợ Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – PGD Sở Công Thương TP.HCM cho biết:  

“Hoạt động của chợ tự phát là một hoạt động vi phạm không đảm bảo điều kiện an ninh trật tự và không đảm bảo nguồn gốc hàng hóa Về vấn đề này thì thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo cho UBND các quận huyện và TP. Thủ Đức. Sở Công Thương đề nghị UBND các quận huyện và TP.Thủ Đức tăng cường xử lý nghiêm đối với các hoạt động chợ tự phát nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân trên địa bàn thành phố”.

Rõ ràng chợ tự phát tồn tại hiện nay là một thực tế nhức nhối nhưng dẹp bỏ hoàn toàn không dễ dàng, mặc dù lực lượng chức năng của địa phương vẫn thường xuyên ra quân xử phạt.

Theo các chuyên gia, chính quyền phường, xã nơi có chợ hoạt động cũng cần tiếp tục tuyên truyền, vận động cả người bán và người mua không tụ tập tự phát. Hình thành nên các điểm mua bán tập trung, có quy củ, nhằm lập lại trật tự an toàn xã hội, an toàn thực phẩm, mỹ quan đô thị, nhất là đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.