Chó thả rông: Vì sao khó xử lý?

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra hàng loạt vụ tai nạn thương tâm liên quan đến chó thả rông. Tuy vậy, tình trạng chó thả rông vẫn diễn ra khá phổ biến ở khắp mọi nơi. Bên cạnh đó, nhiều chủ nuôi chó cũng chưa có ý thức với cộng đồng trước hiểm h

Tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm tự do chạy nhảy vẫn phổ biến ở những khu vực công cộn

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Thống kê từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước đã có 17 ca tử vong vì bệnh dại và gần 171 nghìn người bị phơi nhiễm phải đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Trước đó, trong năm 2018, cả nước cũng có tới 103 người tử vong vì bệnh dại, tăng 29 trường hợp so với năm 2017...

Nghị định 90 năm 2017 cũng đã quy định rất rõ về việc xử lý chủ vật nuôi khi thả rông chó tại nơi công cộng. Cụ thể, phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Trường hợp chủ nuôi không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cũng chịu mức phạt tương tự. Nghị định còn quy định, chó thả rông bị bắt, sau 72 giờ, nếu không có người tới nhận sẽ được đem đi tiêu hủy.

Tuy vậy trên thực tế, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm tự do chạy nhảy vẫn phổ biến ở những khu vực công cộng, gây nguy hiểm cho nhiều người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Điển hình là vụ việc một cháu bé 7 tuổi ở Kim Động, Hưng Yên bị đàn chó thả rông của gia đình hàng xóm lao vào cắn vào ngày 3/4/2019 dẫn đến tử vong.

Tiếp đó, vào ngày 19/4, một bé trai 7 tuổi ở Đại Từ, Thái Nguyên tử vong do bị chó thả rông cắn. Mới đây nhất, một thầy giáo 46 tuổi ở huyện Yên Thành, Nghệ An phát bệnh dại và tử vong do bị chó cắn mà không đi tiêm phòng.

Anh Nguyễn Tiến Huy (trú tại Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, việc thả rông chó ra đường không những tạo hình ảnh xấu cho Thủ đô mà còn gây nguy hiểm cho rất nhiều người: “Khi mà cho chó ra đường thì phải xích lại, rọ mõm, quản lý được nó, không là rất nguy hiểm, nhất là những con chó nước ngoài, chó lớn. Nếu không được tiêm phòng thì rất nguy hiểm cho con người".

Đồng tình với quan điểm của anh Huy, ông Nguyễn Văn Tú, trú tại Q. Hà Đông, Hà Nội nhấn mạnh, người nuôi chó phải có cách quản lý vật nuôi của mình để đảm bảo an toàn cho những người khác. Bên cạnh đó, khi nuôi chó cũng phải đảm bảo tiêm phòng đầy đủ, nếu có xảy ra những trường hợp đáng tiếc thì chủ vật nuôi phải đảm bảo trách nhiệm của mình:

“Mùa nóng này là hay bị bệnh dại mà bệnh dại rất nguy hiểm. Thứ hai là nó chạy ra đường rồi xe cộ, mọi người va vào là sẽ tai nạn. Việc cho chó ra đường không có rọ mõm, không xiềng xích là phải cấm triệt để".

TS. BS Vũ Quốc Đạt, Giảng viên khoa Truyền nhiễm, Phụ trách khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đại học Y cho biết:

“Ở Việt Nam vẫn còn tình trạng chó thả rông, không có rọ mõm khi ra ngoài đường, điều này rất là nguy hiểm. Chó thả rông sẽ có khả năng đi cắn những người khác và lây truyền bệnh dại. Thứ hai, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho chó ở nước ta còn khá hạn chế nên chó hoàn toàn có khả năng nhiễm vi rút dại. Và khi chó cắn người thì có khả năng lây bệnh cho người".

Dù mức xử phạt tuy không lớn song mang tính lan tỏa với người dân, chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ cao (Ảnh: Người đưa tin)

Để phòng, chống bệnh Dại một cách hiệu quả, thời gian qua, một số quận trên địa bàn Thủ đô đã và đang tập trung xây dựng Vùng An toàn dịch bệnh Dại. Đến nay, quận Thanh Xuân và Tây Hồ đã được công nhận là Vùng an toàn bệnh Dại động vật của thành phố Hà Nội. 

Ông Lê Bá Mão, Đội trưởng đội chuyên trách bắt chó thả rông phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội – một trong những địa phương đi đầu trong việc thí điểm mô hình này chia sẻ: “Chó ở đây rất nhiều vì là vùng mới thành lập đô thị, chó người ta cứ thả ra đường, gây bức xúc cho nhân dân. Chó người ta cứ thả ra đường, gây bức xúc cho nhân dân, cản trở việc tập thể dục ở các khu cao tầng, khu đầm hồ. Nhất là thời điểm các cháu đi học, nhiều con chó tự nhiên nó xồ từ trong nhà ra. Cũng đã có những trường hợp bị ngã, có trường hợp bị chó cắn”.

Cũng theo ông Mão, sau gần 2 năm triển khai mô hình “Bắt chó thả rông phòng trừ bệnh dại”, hoạt động của Đội bắt chó thả rông tại Phường Khương Đình đã phần nào đảm bảo an ninh, trật tự. Việc xử lý vi phạm hành chính đối với chủ nuôi chó cũng đã mang tính răn đe đối với nhiều người nuôi.

Dù mức xử phạt tuy không lớn (khoảng 700 ngàn đồng/hộ/vụ vi phạm) song mang tính lan tỏa với người dân, chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ cao. Bản thân hộ chăn nuôi cũng tuân thủ việc chấp hành vi phạm hành chính khi vi phạm.

“Đến thời điểm này, nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Chúng tôi đi đến đâu, nhân dân ủng hộ đến đây. Người dân cũng cung cấp thông tin những hộ nuôi chó, thả chó và thời điểm để đội bắt chó huy động lực lượng xuống bắt. Và khi đến nộp phạt thì nhân dân cũng chấp hành. Mô hình này rất hay và hiện nay đã được Quận Thanh Xuân nhân rộng ra 11 phường trên địa bàn”, ông Mão cho biết.

Tuy vậy, ông Lê Bá Mão cũng thừa nhận, dù đã đạt được những kết quả tích cực, song mô hình này còn nhiều hạn chế, vì nhân lực mỏng, phương tiện và dụng cụ bắt tự chế thô sơ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người làm nhiệm vụ...

Có thể thấy, chế tài xử phạt về vi phạm đã có. Song, để ngăn chặn tình trạng chó thả rông, không có rọ mõm, chính quyền sở tại cần kiên quyết xử lý nghiêm những hộ gia đình nuôi chó thả rông, xử lý nghiêm các hộ nuôi chó không chấp hành quy định của pháp luật, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, mỗi người dân cần phải nêu cao tinh thần tự giác, thực hiện nghiêm quy định khi nuôi chó, để đô thị trở nên văn nh và sạch đẹp hơn.

---

Mời các bạn cùng nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 3/8 tại đây: