Cho mượn xe: Mang tiếng ki bo hay lo nơm nớp?

Không cho mượn thì sứt mẻ tình cảm, còn cho mượn xe thì tâm trạng lúc nào cũng lo nơm nớp sợ người mượn không giữ gìn, gây tai nạn, vừa ảnh hưởng đến chất lượng xe, vừa gặp phải những vấn đề rắc rối liên quan đến pháp lý.

Không cho mượn thì sứt mẻ tình cảm, còn cho mượn xe thì tâm trạng lúc nào cũng lo nơm nớp sợ người mượn không giữ gìn, gây tai nạn, vừa ảnh hưởng đến chất lượng xe, vừa gặp phải những vấn đề rắc rối liên quan đến pháp lý (Ảnh: ST)

Nếu người mượn xe mà thiếu trách nhiệm gây tai nạn dẫn đến tử vong thì người chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm, đặc biệt là khi trên xe có người bị thương, còn chưa kể đến những rắc rối với các hãng bảo hiểm.

Hay trong tình huống dính đến pháp lý, người mượn xe không có khả năng bồi thường thì chủ xe sẽ phải gánh trách nhiệm bồi thường.

Xe ô tô – bất kể là một chiếc xe hạng sang hay chỉ một chiếc xe đã qua sử dụng nhưng đối với bất cứ người chủ nào, nó luôn là tài sản rất có giá trị. Đấy không chỉ là một phương tiện mà còn là người bạn đồng hành trong từng chuyến đi. Thế nên, không có gì khó hiểu khi thấy người chủ phương tiện cực kỳ xót xa khi chiếc xế yêu của mình không may bị xước, hay có vấn đề gì đó xảy ra mà từ người khác gây ra.

Vấn đề cho người quen mượn ô tô từ lâu đã được nhiều người dùng ô tô đề cập đến trên các diễn đàn mạng. Như câu chuyện của anh Nhân Hậu/OFFB sau đây chắc cũng không ít người đã từng gặp phải:

“Chả là sau bao năm tích góp, cuối cùng thì tôi cũng mua được ô tô để đi lại tránh mưa, tránh nắng. Ấy thế nhưng không phải cái gì của mình là mình muốn làm gì thì làm. Xã hội Việt Nam nặng chữ tình, thành ra đôi khi có những điều không muốn vậy phải làm!

Đó là cho mượn xe ô tô!!

Cái khó cho em là luôn nhận lại những phiền phức bởi không phải ai cũng có tâm cho em vợ mượn xe đi chán mà chưa bao giờ đổ xăng, đi trầy xước về không nói, thực sự là em chỉ nói vợ thôi chứ không thể nói thẳng được, khó xử vô cùng. Nó không chỉ là phương tiện mà còn là tài sản của mình nữa..cũng xót lắm nhưng biết làm sao”.

Không cho mượn thì sứt mẻ tình cảm, còn cho mượn xe thì tâm trạng lúc nào cũng lo nơm nớp sợ người mượn không giữ gìn, gây tai nạn, vừa ảnh hưởng đến chất lượng xe, vừa gặp phải những vấn đề rắc rối liên quan đến pháp lý. Chỉ đến khi thấy được người mượn đỗ xe trước cửa nhà, xe vẫn an toàn thì cảm giác mới thở phào nhẹ nhõm.

Chia sẻ kinh nghiệm mà bản thân cũng từng gặp phải sau những lần đưa xe cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp mượn xe, anh Phạm Ngọc Tùng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, mùng 2 Tết vừa rồi mình ở Hà Nội không về quê nên mới cho em vợ mượn xe để đi ra mắt nhà người yêu, cùng với cam kết mượn xe trong ngày.

Ấy thế mà đến tận sáng mùng 4 Tết cậu em vợ mới về và lý do là họ hàng nhà người yêu đông quá, bị giữ lại không về được. 

Dù bạn có là một tay lái cứng đến đâu trên chiếc xe của mình nhưng khi bước lên một chiếc xe lạ thì sự bỡ ngỡ hay lúng túng là điều không thể tránh khỏi (Ảnh: ST)

Không có việc thì thôi cũng đành, đằng này mình ở đây cũng muốn đưa gia đình đi chơi mấy ngày Tết hay đi chúc Tết mọi người nhưng cũng bị vướng không có xe mà dang dở đôi ba việc. Rút ra từ câu chuyện này, mình cũng chỉ mong muốn những người mượn xe nên có ý thức và giữ lời hứa với chủ xe. 

Hay một trường hợp khác cũng khiến anh Hoàng Quân (Long Biên, Hà Nội) lắc đầu ngao ngán chia sẻ, nửa đêm nửa hôm, anh hàng xóm sang ấn chuông rồi gọi điện thoại cho mình, dựng dậy nói mật nói ngọt để mượn xe với lý do nhà có việc gấp ở quê, hứa sang mai sẽ lên luôn trả xe. Lúc này chẳng lẽ lại không cho mượn, nên đành đưa chìa khóa và chỉ chỗ đậu xe để anh hàng xóm mượn. 

Sáng hôm sau, nhận được cuộc gọi của anh hàng xóm, cứ hí hửng để nhận lại xe thì nghe được câu “anh bị đâm xe em ạ”. Mặt tôi tái nhợt không còn giọt máu, lúc này không phải lo cho xe, mà chỉ sợ anh hàng xóm làm sao thì tôi ân hận, vì đã giao xe cho người chưa cứng lái hay không có kinh nghiệm lái xe của mình.

Cũng may là hôm đó, xe của tôi chỉ lao lên vỉa hè, húc vào cây, vỡ đèn và hư hỏng cản trước, còn người trong xe không bị thương.

Không có kinh nghiệm lái xe, nếu mà để họ mượn chở người thân đi đâu đó không những gây nguy hiểm cho bản thân, gia đình, thiệt hại cho chính chủ xe mà còn tiềm ẩn những tai họa cho cộng đồng. Cho nên phải biết lắc đầu từ chối đúng người, đúng thời điểm – đó là kinh nghiệm của anh Việt Anh (giáo viên dạy lái xe tại Trung tâm sát hạch ô tô số 2, cơ sở Sài Đồng).

Nếu người mượn xe mà thiếu trách nhiệm gây tai nạn dẫn đến tử vong thì người chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm, đặc biệt là khi trên xe có người bị thương, còn chưa kể đến những rắc rối với các hãng bảo hiểm. Hay trong tình huống dính đến pháp lý, người mượn xe không có khả năng bồi thường thì chủ xe sẽ phải gánh trách nhiệm bồi thường.

Dù bạn có là một tay lái cứng đến đâu trên chiếc xe của mình nhưng khi bước lên một chiếc xe lạ thì sự bỡ ngỡ hay lúng túng là điều không thể tránh khỏi. Do đó, nếu có cho mượn xe hãy yêu cầu người mượn thao tác trước một số chức năng cơ bản trên xe, thậm chí là bảo họ lái thử vài vòng để làm quen vì mỗi xe có kích thước khác nhau, chưa kể số lượng điểm mù và vùng mù cũng khác nhau.

Đấy, không cho mượn thì mang tiếng ki bo mà cho mượn xe thì lúc nào cũng phải lo nơm nớp. Mọi người nghĩa khi nào nên cho mượn, khi nào không? Và nên cho ai mượn xe để cảm thấy yên tâm?