Chợ búa gì nhiều...

Từ chỗ đi chợ hàng ngày để kiếm đồ ăn tươi, nhiều người điều chỉnh tần suất, tính toán kỹ hơn thực đơn cho cả tuần, cả tháng, linh hoạt với các hình thức mua sắm mới. Thu xếp ổn thỏa, nhiều bà nội trợ thừa nhận với nhau: Thực ra, cũng chẳng cần…chợ búa gì

Gia đình chị Đậu Thị Huyền và nhiều gia đình ở chung cư Center Point (Cầu Giấy, Hà Nội) rất ít khi phải đi chợ mua đồ ăn kể từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội đến nay.

Một nhóm cư dân nội khu đã được lập ra trên mạng để “rủ” mọi người cùng nhau mua chung, mua gom các thực phẩm thiết yếu hàng ngày. Cách làm này vừa giúp mua được hàng giá rẻ vừa hạn chế nhân viên giao hàng lẻ tẻ:

"Mua chung thì giá thành rẻ hơn, mua số lượng nhiều thì hạn chế được phí ship nhưng cần có người đứng ra gom, chia và thu tiền. Người đứng ra gom bắt buộc phải có hàng hóa nguồn gốc tốt, giá tốt cho cư dân. Khi vận chuyển và chia hàng thì hơi vất vả một chút nhưng đảm bảo là không tiếp xúc bởi cứ chia ra, để đấy, cư dân nào đặt thì họ xuống họ lấy, khâu giao nhận hàng tránh được lây nhiễm".

Thói quen đi chợ vào mỗi buổi sáng để mua đồ ăn cho cả gia đình của chị Nguyễn Thị Linh cũng đã thay đổi, chuyển sang đặt mua của những người chung sống cùng khu, biết rõ địa chỉ, độ tin cậy cao hơn. Mẹ chồng chị cũng rất "ưng" với cách này:

"Quan niệm của các bà là đồ ở chợ truyền thống thì tươi ngon hơn nhưng từ khi có dịch, mẹ chồng thấy mình có cách mua gom cùng ở chung cư thì tiện hơn, đồ vẫn tươi ngon, đảm bảo mà giá thành kinh tế hơn nên bà cũng ủng hộ cách mua đồ cùng với các chị ở chung cư".

Khung cảnh một khu chợ trong cuộc sống bình thường mới... Ảnh: Quang Hùng

Với bà Nguyễn Thị Thọ ở Làng Quốc tế Thăng Long , ngày chưa có dịch, bà đi chợ đều đặn mỗi ngày để đổi món cho cả nhà, nhưng giờ đã quen với các shop online kể từ sau thời gian giãn cách:

"Cũng có những lần mua phải hàng không đúng chất lượng hoặc không đúng số lượng, giá cả không phải chăng thì tôi cũng rà soát lại những địa chỉ đó và gạch nó ra khỏi danh sách mua bán của mình. Đến bây giờ thì đã chọn được những địa điểm đáng tin cậy. Tôi bây giờ vẫn mua bán online và ít ra chợ hơn ngày trước".

Dù cũng rất thích đồ thực phẩm tươi sống, nhưng chị Phạm Quỳnh Giang ở ngõ 214, Đường Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội chấp nhận đầu tư thêm 1 chiếc tủ đông để trữ đồ ăn, cho khỏi đi chợ lắt nhắt mùa dịch:

"Gia đình tôi thay đổi rất nhiều thói quen mua sắm, gần như không lặp lại thói quen cũ như đi chợ hàng ngày nữa. Tôi có một danh sách mua sắm theo cả tháng, đồ dùng như xà phòng nước giặt thì mua dùng trong 1,2 tháng. Danh sách đồ ăn như mắm muối, dầu ăn cũng mua dùng trong 1 tháng; thực phẩm thịt cá thì mua làm sạch cất tủ đông dùng trong 2 tuần, các loại rau củ thì mua dùng 1 tuần. Thời điểm chọn đi vào buổi trưa hoặc buổi chiều khi nhiều nhà đã ăn cơm thì siêu thị vắng khách, đảm bảo giãn cách".

Trước dịch, những bạn trẻ như Ngọc Bích, 22 tuổi, nhân viên văn phòng, thường dạo qua các con phố bán quần áo để "săn" hàng thời trang giảm giá như là một thú vui cuối tuần. Giờ, thay vì dạo qua phố phường, cô nàng dạo mua trên.. điện thoại:

"Việc mua hàng ở cửa hàng đôi khi không phải là do nhu cấp thiết mà do mình muốn hẹn hò với bạn bè, như một cách giải trí sau những ngày làm việc áp lực ở công ty. Dịch bệnh cũng khiến mình e ngại đến cửa hàng, đi cùng bạn bè cũng gặp khó khăn nên chuyển sang mua hàng trực tuyến online, được ship đến tận nơi chứ không đến cửa hàng để mua nữa".

Covid-19 đã thay đổi thói quen mua sắm của nhiều người nội trợ. Ảnh: Quang Hùng

Đi chợ, với nhiều người, không chỉ là để đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm, mà còn là để cảm nhận không khí tấp nập, được nghe tiếng mặc cả, trao đổi hỏi han của kẻ bán người mua với đủ ngữ điệu thanh âm, giọng nói, cảm nhận những gần gụi đời thường. Dịch bệnh, người dân vẫn có nhiều cách để đảm bảo nhu cầu thiết yếu, mà không cần phải “chợ búa gì nhiều”. Chỉ khác là, tạm gác một thú vui./.