Chính phủ yêu cầu nghiên cứu giảm 50% phí trước bạ với ô tô lắp ráp trong nước

Chính phủ giao Bộ Tài chính, Công thương nghiên cứu ưu đãi phí trước bạ và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô lắp ráp trong nước.

Ảnh nh họa baochinhphu

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 cho biết, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD). Các chính sách này cần báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/3.

Trước đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Ninh Bình mới đây có văn bản đề xuất Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước năm nay để kích cầu.

Dữ liệu báo cáo tháng 1 của VAMA cho thấy, doanh số bán hàng tháng đầu năm 2023 toàn thị trường đạt 17.852 xe, giảm 60% so với tháng 12/2022 và 54% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, doanh số bán xe trong nước giảm gần một nửa, chỉ đạt 9.228 xe. Có hãng xe lượng bán chỉ bằng 30% của một tháng trước đó.

Đơn cử như Hyundai Thành Công dự tính toàn ngành giảm 17,5% (tương đương mất hơn 85.000 xe) so với năm 2022. Từ đầu năm đến nay, các đại lý tung nhiều ưu đãi nhưng nhu cầu mua sắm xe con của người dân vẫn đi xuống khi lãi suất tăng, thu nhập sụt giảm.

Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng cho biết tiêu thụ xe giảm kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí bị sụt đơn hàng. Trong ngắn hạn, nếu sức mua không cải thiện, thị trường không tăng trở lại, để giảm bớt áp lực tồn kho, các hãng sẽ khó duy trì nhịp sản xuất ổn định, buộc phải giảm công suất, nhân công. Điều này tác động trực tiếp tới lao động, việc làm, từ đó ảnh hưởng tới xã hội.

Với đề xuất chính sách kích cầu lần này, theo các hiệp hội, sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước giảm bớt áp lực dòng tiền và có thêm thời gian, nguồn lực cân đối chi phí duy trì sản xuất.

Trong giai đoạn dịch bệnh, Chính phủ đã hai lần có chính sách tương tự (mỗi lần áp dụng trong 6 tháng) cho xe CKD hồi giữa năm 2020 và cuối năm 2021.

Năm ngoái, chính sách giảm 50% phí trước bạ kéo dài đến hết ngày 31/5 đã giúp mức tiêu thụ ô tô trên thị trường Việt Nam đạt mức kỷ lục, lần đầu vượt mốc nửa triệu xe.

Trong đợt giảm đầu tiên năm 2020, số thu lệ phí trước bạ theo chính sách giảm 7.314 tỷ nhưng tổng số thu ngân sách nhà nước từ ôtô tăng 14.110 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2020, lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là hơn 102.900 xe, bình quân gần 17.600 xe một tháng. Nửa cuối năm, số xe đăng ký gấp đôi.