Chạy taxi mùa dịch: Nguy hiểm, nhưng vì sinh kế vẫn phải rong ruổi

Taxi là một trong những dịch vụ thiết yếu cho nhu cầu đi lại của cư dân đô thị. Thời kỳ dịch bệnh, tài xế taxi được coi là nhóm đối tượng nguy cơ cao do lịch sử đi lại, tiếp xúc nhiều người.

Vì cuộc sống mưu sinh, họ vẫn ngày ngày rong ruổi các tuyến đường, chấp nhận theo nghề nguy hiểm. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Vừa dừng xe tại khu vực đỗ trước cổng bệnh viện Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng, Hà Nội), anh Vũ Như Hoa, tài xế hãng G7, vừa cẩn thận kéo khẩu trang, tranh thủ xịt cồn khử khuẩn và lau vô lăng, cửa sổ, tay nắm cửa.

Anh mới chở 2 vị khách đến bệnh viện.

Dù thực hành nghiêm quy tắc 5K, nhưng anh Hoa vẫn rất lo về nguy cơ dịch bệnh, nhất là khi đọc thông tin về các trường hợp tài xế taxi mắc COVID-19 hoặc vô tình trở thành F1. Đặc biệt, đã có trường hợp tài xế bị đánh chỉ vì nhắc nhở hành khách đeo khẩu trang.

“Những tầng lớp như lái xe chúng tôi thì tiếp xúc cực kỳ nhiều, không rõ nguồn gốc khách hàng ở đâu. Nếu khách của công ty còn có điện thoại, còn khách vẫy ngoài đường thì làm sao có thông tin, biết người đấy có bị bệnh hay không, khi bị thì không biết truy vết ở đâu. Nếu được thì Bộ Y tế, hợp tác xã kiến nghị cho anh em được tiêm vắc xin sớm”, anh Hoa cho biết.

Với anh Nguyễn Thế Quân, tài xế taxi Thanh Nga, dịch bệnh ập đến khiến doanh thu sụt giảm tới hai phần ba, chỉ  còn 4-5 triệu mỗi tháng. Thu nhập thấp, rủi ro cao, song tài xế quê Nam Định vẫn gắng bám trụ thành phố. Ở nhà, vợ và 3 con nhỏ trông cả vào đồng lương của anh.

“Mình thấy rất lo lắng, mình mong muốn làm sao Chính phủ có chính sách tiêm vắc xin cho tất cả anh em lái xe taxi để yên tâm làm việc, phục vụ bà con”, anh Quân chia sẻ.

Ảnh nh họa: New York Times

Theo ông Nguyễn Văn Thành, chuyên gia Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), lo lắng của các tài xế hoàn toàn có cơ sở, bởi người điều khiển phương tiện vận tải là đối tượng nguy cơ cao tiếp xúc nguồn lây. Ước tính, nếu chở khoảng 20 khách/ngày, trung bình mỗi tài xế taxi có thể tiếp xúc trong không gian hẹp hàng trăm người mỗi tuần, chưa kể các mối quan hệ, đi lại ngoài công việc.

Ông Nguyễn Văn Thành khuyến nghị tài xế cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo sớm nguy cơ, phục vụ công tác truy vết nếu cần, thường xuyên vệ sinh khử khuẩn khoang xe, các bề mặt, và cân nhắc có phục vụ hay không tùy sự hợp tác của hành khách: “Khi hành khách tuân thủ đề xuất của tài xế, lúc đó có thể phục vụ hành khách, vì cơ chế thị trường là đồng thuận hai chiều. Nếu hành khách không tuân thủ hướng dẫn của chúng ta, anh có quyền từ chối phục vụ”.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho biết: đã khuyến cáo các thành viên hỗ trợ tài xế về thiết bị phòng dịch, nâng cao cảnh giác phòng ngừa bị tấn công, cướp giật khi làm việc. Hiệp hội cũng rất nóng ruột về việc tiêm vắc xin sau khi có công văn đề xuất Sở GTVT Hà Nội từ tháng 5/2021:

“Chúng tôi đã khẩn cấp làm văn bản đề xuất. Nhưng đến nay, Sở GTVT Hà Nội mới thống nhất chọn đối tượng ưu tiên đầu tiên là tài xế chạy tuyến sân bay Nội Bài. Cảng hàng không đã đề nghị các doanh nghiệp gửi danh sách, nhưng cho tới giờ phút này, chúng tôi vẫn chưa nhận được kết quả để thực hiện tiêm chủng”.

Theo Hiệp hội taxi Hà Nội, trong trường hợp dịch bùng phát, cần phương tiện chở hàng hóa nhỏ, vận chuyển bà con, bệnh nhân từ bệnh viện về, taxi sẽ xung phong vận chuyển ễn phí, hỗ trợ công tác phòng dịch.

Do đó, tiêm chủng ngừa Covid-19 là mong mỏi khẩn thiết lúc này, giúp các tài xế và cả hành khách đi taxi yên tâm hơn, đồng thời giảm nguy cơ lây dịch bệnh ra cộng đồng.

---

Nghe thêm Nhật ký Đô thị trên Apple Podcast: