Chặt 3 cây phượng mục rỗng: Trồng cây xanh trong trường phải tính đến an toàn

Sau vụ việc cây xanh trong trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TPHCM) bị bật gốc khiến nhiều người bị thương, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã đề nghị các trường phối hợp với các cơ quan chuyên môn địa phương kiểm tra, rà soát, đảm bảo an toàn cây xanh và có biện pháp xử lý kịp thời.

 

Sáng nay 24/4, nhận được nguồn tin trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) đã phải chặt bỏ 3 cây phượng vì có dấu hiệu bị mục và rỗng ruột, mặc dù bên ngoài cây vẫn xanh tốt, PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân.

PV: Xin ông cho biết cụ thể nguyên nhân khiến các cây xanh này phải chặt bỏ?

Ông Huỳnh Thanh Phú: Ngày 01/4, tôi tiếp nhận công việc mới tại trường THPT Bùi Thị Xuân. Sau khi tham quan cơ sở vật chất của trường trong đó có phần khuôn viên cây cảnh, tôi thấy trường có 3 cây phượng có tuổi đời 50-60 năm. Cây phượng là một biểu tượng của trường học, đã đi cùng năm tháng, và là chứng nhân lịch sử của bao thế hệ học trò.

Ngày 2/4, tôi yêu cầu mời cơ quan Công ty cây xanh TP mời xuống thẩm định để xem chất lượng cây như thế nào, mặc dù cây đang ra hoa rất nhiều, cành lá sum suê. Lúc khảo sát, Công ty cây xanh TP yêu cầu phải đốn ngay vì đã bị mục, rỗng ruột bên trong vì bị mối mọt.


PV: Quy trình xử lý khi cây xanh có dấu hiệu cần phải chặt bỏ như thế nào, thưa ông?

Ông Huỳnh Thanh Phú: Nguồn kinh phí không có, nên tôi mời Công ty Công ích quận 1 sang để thẩm định lại. Công ty Công ích Quận 1 cũng xác định cây phải đốn vì mục, rỗng. Như vậy, đã đủ cơ sở về pháp lý, nhưng nói về mặt tình thì chưa thể thuyết phục được vì trường đã tồn tại trên 60 năm.

Nên tôi cũng phải làm công tác tư tưởng, họp Hội đồng Giáo dục nhà trường, thông qua các văn bản kết luận của chuyên môn. Ngày 23/4, chúng tôi tiến hành để Công ty Công ích Quận 1 cắt tỉa và đốn bỏ ba cây này.


Một điều khá bất ngờ là cả ba cây này đều rỗng từ gốc rễ lên đến các cành. Các anh chị có thể thấy, có thể lên đến 80-90 cm, 1 - 2 người chui vào cũng lọt, điều đó thật khủng khiếp, chỉ cần một cơn gió nhẹ thôi là có thể làm đổ cây bất cứ lúc nào.

Mình không biết được ngày giờ nào cây sẽ đổ. Nếu không chuẩn bị được lộ trình này thì sự cố xảy ra nếu liên quan đến tính mạng con người thì rõ ràng thiếu sự quan tâm.

Nếu các trường học có sự thẩm định như vậy làm cơ sở để nhà trường tiến hành thì rất an tâm.


PV: Vậy thưa ông, trường có kế hoạch thay thế cây gì sau khi chặt bỏ ba cây phượng này?

Ông Huỳnh Thanh Phú: Sau khi đốn các cây này, chúng tôi cũng phải tính toán, cân nhắc trồng cây gì để phủ xanh đảm bảo độ mát và môi trường không khí, tạo sự thân thiện cho các em học sinh. Chúng tôi có thể trồng các dàn dây leo có độ phủ mát, bóng râm và tạo mỹ quan.

Thực tế thì nhất thiết không phải cây cổ thụ, có thể trồng cây tạo cảnh quan cho nhà trường.

Vấn đề trồng cây mới phải là cây được cho phép và an toàn vì trường học là phải an toàn./.

Một số hình ảnh được PV ghi lại: