Cầu Thăng Long sửa chữa lần 3: Liệu có khắc phục được tình trạng tái hư hỏng?

Sau hơn 35 năm đưa vào khai thác, cầu Thăng Long đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông của người và phương tiện lưu thông qua cây cầu này.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Mặt cầu Thăng Long xuống cấp và được "vá" tạm để phương tiện lưu thông. Ảnh: Vnexpress

Theo kế hoạch vào giữa tháng 7 tới, Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam sẽ tiến hành đóng cầu Thăng Long (Hà Nội) để tiến hành sửa chữa quy mô lớn đến hết quý 4 năm 2020.  Sau hơn 35 năm đưa vào khai thác, cầu Thăng Long đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông của người và phương tiện lưu thông qua cây cầu này. Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận quan tâm hiện nay là phương án sửa chữa lần này liệu có khắc phục được tình trạng tái hư hỏng như 2 lần sửa chữa trước đó? Đối thoại với phóng viên Kênh VOV Giao thông, ông Nguyễn Trung Sỹ – Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ chia sẻ: 

PV: Xin ông cho biết phương án sửa chữa cầu Thăng Long vào thời gian tới?

Ông Nguyễn Trung Sỹ: Cầu Thăng Long sẽ tiến hành sửa chữa vào khoảng giữa tháng 7 năm 2020. Việc đầu tư dự án đã được Bộ GTVT cho phép từ 28/10/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã lựa chọn được tư vấn lập dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư 269 tỷ đồng; sau đó đã lựa chọn được tư vấn thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công và hiện tại đang mời thầu để lựa chọn nhà thầu xây lắp. Quá trình thực hiện là đấu thầu qua mạng, qua hệ thống đấu thầu quốc gia, đảm bảo công khai nh bạch. 

PV: Vậy giải pháp công nghệ lần này liệu có khắc phục được tình trạng tái hư hỏng như 2 lần sửa chữa trước hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Trung Sỹ: Công nghệ sửa chữa lần này sẽ khắc phục được tất cả những gì mà trước đây còn bị trồi trụt và hư hỏng. Bời vì, có 2 việc chính: Thứ nhất là công nghệ hàn Plasma để hàn những đinh neo thép (đinh stud) lên trên mặt thép, với thời gian hàn đinh D13 dài 5cm chỉ trong 0,4 giây, không tạo ra nhiệt trên mặt cầu.

Thứ hai là sử dụng loại bê tông siêu tính năng (UHPC), bê tông này có cường độ thiết kế là 120 MPa, vượt từ 2-3 lần bê tông đang sử dụng thông thường trong xây dựng dân dụng. Điều này giúp cho mặt cầu Thăng Long sẽ tồn tại cùng với tuổi thọ của công trình cầu, trừ phần bê tông nhựa làm êm thuận phía trên (có tuổi thọ từ 5-10 năm).

PV: Phương án phân luồng giao thông được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Trung Sỹ: Giữa tháng 7 khi thi công thì chắc chắn cầu Thăng Long phải đóng, riêng 2 đoàn tàu hỏa chạy hàng ngày vẫn được lưu thông nhưng chạy với tốc độ 5km/h, sẽ được kiểm soát bằng hệ thống camera và được điều hành trực tiếp bởi đơn vị quản lý đường sắt.

Còn trên mặt cầu Thăng Long sẽ được đóng lại, các phương tiện sẽ lưu thông qua cầu Nhật Tân, cầu Đồng Trù và các công trình cầu khác.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

---

Mời các bạn cùng lắng nghe nội dung chi tiết của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 24/6 tại đây: