Cảnh giác với sốc phản vệ, hãy tự bảo vệ

Sốc phản vệ là một tai biến dị ứng nghiêm trọng, có thể xảy ra sau vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với chất khiến người bệnh bị dị ứng. Sốc phản vệ không chỉ gặp ở trẻ nhỏ mà còn gặp ở người lớn, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được c

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Sốc phản vệ không chỉ gặp ở trẻ nhỏ mà còn gặp ở người lớn, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời (Ảnh nh họa)

Vậy làm thế nào để bảo vệ bản thân trước nguy cơ sốc phản vệ? Đối thoại với phóng viên VOV Giao thông về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô chia sẻ.

PV: Thưa bác sĩ, bác sĩ có thể chia sẻ về nguyên nhân cũng như biểu hiện của sốc phản vệ? 

Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm: Sốc phản vệ là một tình trạng dị ứng nặng, ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Nó có thể gây trụy mạch, tụt huyết áp hoặc suy hô hấp. Nếu không can thiệp kịp thời thì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng ngay lập tức.

Sốc phản vệ thường xảy ra ngay lập tức hoặc sau một thời gian ngắn kể từ khi tiếp xúc với chất gây dị ứng, còn gọi là dị nguyên.

Các nguyên nhân gây sốc phản vệ gồm có thuốc, thức ăn, nọc côn trùng, phấn hoa. Các thuốc có thể gây dị ứng bao gồm các thuốc tiêm, thuốc uống, thậm chí là các thuốc dùng ngoài. Các thuốc kháng sinh tiêm, uống hoặc là các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi cũng có thể gây phản ứng.

Ngoài ra, có một số thuốc hay gây phản vệ là các thuốc phản quang dùng trong thăm dò, chẩn đoán hình ảnh hoặc các vắc xin. Thức ăn có nguồn gốc động vật, thực vật đều có thể gây sốc phản vệ. 

Về triệu chứng của sốc phản vệ thì ban đầu thường có triệu chứng ngoài da, ví dụ như ngứa, phát ban, hắt hơi, sổ mũi, nặng hơn nữa là ngứa họng, co thắt phế quản, khó nuốt do phù nề vùng hầu họng. Tiếp theo là các triệu chứng khó thở, tụt huyết áp, mạch nhanh, suy giảm ý thức.

PV: Vậy bác sĩ có khuyến cáo gì về cách phòng ngừa sốc phản vệ?

Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm: Để đề phòng tình trạng sốc phản vệ thì chúng ta cần lưu ý, nhớ lại những lần mình dị ứng. Nếu có tiền sử bị dị ứng thì cần trao đổi với bác sĩ trước khi dùng thuốc. Khi dùng thuốc thì cần chú ý theo dõi biểu hiện của cơ thể.

Nếu có phản ứng khác thưởng cần phải thông báo với bác sĩ kê đơn hoặc nhập viện ngay. Đối với đồ ăn lạ thì nên tránh, hoặc là chúng ta ăn một lượng nhỏ, nếu không có vấn đề gì thì mới ăn tiếp.

Trong trường hợp mà có biểu hiện sốc phản vệ thì chúng ta cần phải chú ý là nằm độ thấp chân cao đắp chăn nếu có biểu hiện lạnh. Cần phải nghiêng đầu của một bên để tránh trường hợp nôn rồi hít phải chất nôn. Ngoài ra, cần động viên, trấn an tinh thần bệnh nhân bởi vì lúc đó là người bệnh rất dễ rơi vào tình trạng hoảng loạn.

Trong thời điểm đó, chúng ta gọi cấp cứu ngay lập tức nếu có thể. Nếu có biểu hiện ngừng thở hoặc là mạch yếu, hoặc là ngưng tim, chúng ta cần ép tim hô hấp nhân tạo để kịp thời cứu sống bệnh nhân.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: