Cần quy định để quản lý chèo ván Sup trên sông

Chèo ván Sup là một loại hình giải trí đang được giới trẻ ưa chuộng và thường được sử dụng tại các bãi biển trên khắp cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, đã xảy ra ít nhất 1 vụ tai nạn mất tích liên quan đến loại hình giải trí này.

 Tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều tour tuyến du lịch được chào bán với hoạt động chính là chèo Sup quanh các con rạch ra đến sông lớn trong khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép.

Dịch vụ cho thuê ván Sup nở rộ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Cần Thơ đang nở rộ dịch vụ cho thuê chèo ván Sup. Theo đó, chỉ cần bỏ ra 350.000 đồng, người dân có thể thuê  một chiếc ván Sup cho 2 người chèo tự do  trong 3 tiếng. Sau khi  được “huấn luyện viên” hướng dẫn kỹ thuật, người chơi được phát thêm áo phao và ba lô chống nước để cất giữ tài sản riêng. Hành trình xuất phát tour chèo Sup bắt đầu từ công viên Sông Hậu, đi vào các con rạch nhỏ giữa cồn Ấu và kết thúc tại bến tàu nhỏ gần cầu Cần Thơ  với quãng đường dài khoảng 3km.

Ông Trương Công Quốc Việt – Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch thành phố Cần Thơ cho biết, mặc dù là hoạt động tự phát nhưng dịch vụ cho thuê Sup đang nở rộ: "Sup là một loại ván bằng cao su, bơm hơi vào và tạm gọi là phương tiện di chuyển trên mặt nước. Thời gian qua, tại Cần Thơ, nhiều tổ chức du lịch, hội, nhóm… đã chọn phương tiện này để làm sản phẩm khai thác du lịch".

Điều đáng quan ngại là người chơi sau khi thuê Sup có thể được tự do đi lại các nơi mà không có bất cứ  phương tiện và lực lượng cứu hộ, cứu nạn đi kèm. Trong khi đó, đoạn đường thủy từ cồn Ấu ra đến gần cầu Cần Thơ là hòa vào luồng hàng hải trên sông Hậu và sông Cần Thơ, nhiều phương tiện hỗn hợp tham gia lưu thông, tạo ra những đợt sóng lớn. Nếu xảy ra tình huống bất trắc, người chơi sẽ không được cứu hộ kịp thời.

Nói về những rủi ro của những chiếc ván Sup khi tham gia giao thông đường thủy nội địa, ông Lê Văn Hiền – tài công điều khiển phương tiện thủy trên sông Cần Thơ cho biết: "Chạy trên sông gặp mấy chiếc Sup là tự biết mình phải chạy cách xa nó tầm 10m, nếu chạy gần sợ sóng tàu đánh vô là chiếc Sup lật úp liền. Áo phao cũng không chắc chắn đâu vì lỡ xì phao mà gặp người không không biết bơi là nguy hiểm lắm".

Ông Trương Công Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL TP Cần Thơ cho biết, hiện nay, đơn vị này không quản lý loại ván Sup. Doanh nhiệp kinh doanh ván Sup muốn hoạt động, phải đăng ký phương tiện với Sở Giao Thông Vận Tải (GTVT) TP Cần Thơ và được cấp phép vùng nước hoạt động. Tuy nhiên, Sở GTVT TP Cần Thơ lại khẳng định, Sup chỉ là một loại dụng cụ được tác động di chuyển bằng sức người, không phải là phương tiện nên sẽ không đủ điều kiện để cấp phép, đăng kiểm, kiểm tra, quản lý.

Ông Đinh Văn Ngoan – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực III, Sup chỉ tương tự như phao cứu sinh, nên trong Nghị định 48 của Chính phủ quy định về “Quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước” cũng không được đề cập đến việc cấp phép: "Những phương tiện nhỏ như Sup thì không cấp phép, chúng tôi chỉ cấp phép và thu phí phương tiện chở từ 12 người trở lên".

Hiện nay chưa có những quy định quản lý hoạt động của ván Sup trên đường thủy

Như vậy, đến thời điểm nay, ván Sup đang được sử dụng trên các tuyến đường thủy nội địa và luồng hàng hải đi qua địa bàn TP Cần Thơ không được thừa nhận là phương tiện, cũng không được công nhận là hoạt động thể thao và chưa có cơ quan nào cấp phép, quản lý.

Ông Mai Minh Ngoan, Chánh Văn phòng Ban ATGT TP Cần Thơ khuyến cáo người dân cần thận trọng khi lựa chọn loại hình giải trí mạo hiểm này: "Loại hình chèo Sup hiện nay xuất hiện tại TP Cần Thơ chỉ là tự phát, chưa đảm bảo an toàn. Trên các con rạch được khai thác chèo Sup cũng chưa bố trí các phương tiện cứu hộ, nhân viên cứu hộ và biển cảnh báo. Hoạt động này cũng chưa có khuyến cáo và chưa có hướng dẫn. Nếu muốn trải nghiệm sông nước thì du khách nên lựa chọn phương tiện đủ lớn để tránh sự cố"

Vào năm 2021, hai du khách trải nghiệm chèo Sup tại khu vực biển quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng đã bị lật và sóng cuốn mất tích. Sau sự cố này, hầu hết các Doanh nghiệp kinh doanh ván Sup đã có động thái đăng ký quản lý phương tiện nhưng không được các cơ quan chức năng chấp nhận vì không có sơ sở cấp phép. Để  hạn chế các vụ tai nạn đường thủy đáng tiếc liên quan đến ván Sup, các cơ quan chức năng cần tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động này.

Trong trường hợp muốn tiếp tục cho Sup tồn tại làm sản phẩm khai thác du lịch,  các ngành liên quan cần đề xuất, bổ sung các quy định pháp luật để quản lý hoạt động kinh doanh ván Sup  cũng  như  những hoạt động cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho người sử dụng khi  trải nghiệm các hoạt động trên sông nước nói chung  .