Cần phải có văn hoá khi ghi hình CSGT làm việc

Từ 15/1, người dân có quyền giám sát lực lượng CSGT làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình. Nhưng làm sao để người dân thực hiện quyền giám sát dân chủ của mình phải đúng luật và có văn hóa là điều mà dư luận hiện đang quan tâm...

Người dân có quyền giám sát lực lượng CSGT làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng phải đúng luật và có văn hóa

Từ 15/1, người dân được ghi âm, ghi hình CSGT làm nhiệm vụ

Nhằm nh bạch hóa trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư 67/2019 có hiệu lực từ 15/1, người dân được ghi âm, ghi hình và quan sát trực tiếp nhưng ngoài khu vực bảo đảm trật tự ATGT, tuân thủ pháp luật và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ.

Cụ thể, người dân được giám sát lực lượng công an trong công tác bảo đảm trật tự ATGT thông qua các hình thức sau:

- Thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.

- Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.

- Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ.

- Thông qua kết quả giải quyết vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

- Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. 

Giải thích rõ hơn về quy định này, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên tryuenef và Điều tra giải quyết TNGT, Cục CSGT cho biết, khu vực bảo đảm trật tự ATGT là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sỹ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT và ANTT. Dây căng là dây có nền màu đỏ, chiều rộng từ 5 - 10cm; trên dây có in dòng chữ “Khu vực bảo đảm trật tự ATGT” màu vàng. Khu vực bảo đảm trật tự ATGT phải tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Nhưng điều cần lưu ý khi ghi âm, ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ

Theo VOV, để người dân được giám sát thuận lợi và không gây ảnh hưởng đến công việc, thậm chí có thể gây ức chế cho lực lượng thực thi pháp luật, Luật sư Nguyễn Danh Huế - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng chỉ ra một số lưu ý đối với người dân.

 

"Thứ nhất, chúng ta chỉ thực hiện ghi âm, ghi hình khi có những biểu hiện không đúng điều lệ ngành hoặc có những hành vi gây phản cảm biểu hiện ra bên ngoài.

Thứ hai, có những biểu hiện vi phạm pháp luật như vòi vĩnh, nhận tiền mãi lộ hoặc có những hành vi không đảm bảo sự công bằng như có người thì xử phạt, người thì không xử phạt. Hay những hành vi không làm đúng chức năng, nhiệm vụ như khi cần điều hướng để đảm bảo việc không tắc đường thì CSGT lại không làm việc. 

Khi mà thực hiện các quyền của mình, người dân cũng lưu ý chúng ta cần thực hiện hành vi một cách có văn hóa. Không nên lợi dụng quy định này mà sử dụng camera giám sát dí sát vào mặt người khác quay rồi có những bình phẩm, bình luận không văn hóa. Hay làm ảnh hưởng, cản trở đến việc thực thi nhiệm vụ của CSGT.

Ngoài ra, người dân cũng cần lưu ý thêm đến pháp luật hiện hành quy định rõ những hành vi mà lợi dụng, sử dụng hình ảnh của người khác để phát tán, để đưa ra những thông tin sai sự thật. Thì người dân hoàn toàn sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc nặng hơn bị xử lý hình sự".

Lấy ý kiến về việc người dân được phép ghi âm, ghi hình CSGT làm việc, thính giả Nguyễn Quốc Trường (trú tại Thái Nguyên) cũng cảm thấy rất phấn khởi khi tiếp nhận được Thông tư 67/2019.

 

"Tôi rất phấn khởi khi nhận được Thông tư 67 về việc người dân có quyền giám sát lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ. Tôi thấy rất hợp lý và Bộ Công an cũng đã tiếp thu ý kiến và sớm triển khai Thông tư này. 

Ngoài ra, tôi cũng mong muốn, cán bộ chiến sĩ giao thông, trật tự giao thông cần phải nâng cao chất lượng hơn nữa, có tâm, có tầm và có lòng tự trọng; không để như những năm vừa qua, một bộ phận không nhỏ mang tiếng “mãi lộ”, làm luật… điều này là không hay. 

Cuối cùng, những người tham gia giao thông cũng phải thực hiện tốt và tránh hiện tượng những người lợi dụng việc này để gây rối hay lợi dụng làm công cụ bôi nhọ lực lượng CSGT. Cần phải xử lý thật nặng, thật nghiêm với những hành động vô văn hóa, còn thiếu đạo đức đối với những người đang thi hành công vụ".

Đây được coi là một trong những thông tư được dư luận đặc biệt mong đợi trong thời gian qua và cũng là nội dung từng gây tranh luận rất nhiều trong quá trình soạn thảo. Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm lúc này là làm sao để người dân thực hiện quyền giám sát dân chủ của mình nhưng phải đúng luật và có văn hóa.