Cần nghĩ đến quyền lợi nhà đầu tư, mở rộng đối tượng vay gói 125.000 tỷ

Ngoài đề nghị gỡ nút thắt về việc thẩm định sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch, đáng chú ý Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM còn đề xuất tăng lợi nhuận định mức từ 10% lên 15% với doanh nghiệp tự tạo lập quỹ đất

Bên cạnh đó, cho phép chủ đầu tư được thế chấp bằng chính dự án; giảm 70% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án nhà ở xã hội cho thuê… Nới lỏng quy định thu nhập không quá 15 triệu/tháng mới tiếp cận được nguồn vốn vay 125 nghìn tỷ.

Xung quanh những nội dung này, phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với kiến trúc sư Ngô Doãn Đức – Nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

PV: Ông đánh giá thế nào về một loạt các đề xuất nhằm “phá băng” các dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp?

Ông Ngô Doãn Đức: Theo tôi, nhà ở xã hội là dành cho người thu nhập thấp. Họ là đối tượng rất đông trong xã hội. Thực tế, các dự án nhà ở hầu hết là thương mại, với giá cả mà người dân lao động có lẽ cả đời không mua được.

Muốn tiếp cận với nhà ở xã hội, nhà nước cần vào cuộc bằng chính sách. Cần ứng xử, tiếp cận thích hợp trong lộ trình 5 năm – 10 năm, để tháo gỡ dần để mặt bằng chung cho thuê hợp lý hơn.

Nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp vẫn đang vướng nhiều cơ chế chính sách. Nhà đầu tư không hào hứng, người dân khó tiếp cận vốn

Cụ thể, để phát triển loại hình nhà ở này cho người nghèo thì công nhân, người lao động thu nhập khoảng 15 triệu/tháng, hai vợ chồng khoảng 30 triệu/tháng được tiếp cận vốn vay, điều đó cần chính sách của nhà nước để họ được mua, được thuê nhà ở xã hội.

Nhưng về mặt cân xứng thị trường hiện rất lệch, khiến nhà đầu tư còn do dự. Thế nào là khuyến khích, là tạo hành lang cho loại hình nhà ở này có đường đi của nó. Đó là cơ chế để doanh nghiệp vào cuộc, làm ăn có lợi. Họ làm việc với tinh thần ứng xử xã hội, nhưng quyền lợi của người ta phải bảo đảm. Ví dụ quỹ đất làm được khai thác thương mại, điều đó có lợi cho họ và thích ứng với sự phát triển của thành phố.

Thứ hai, nhà ở cho người thu nhập thấp giờ cũng nhập nhèm, có nhiều câu chuyện ẩn sau đó. Có khi người thu nhập thấp thực sự có nhu cầu thì chưa chắc vào hết được, chỉ tỉ lệ thấp thôi. Còn phần lớn lẫn lộn người đầu cơ đi vào đấy. Nó rất chung chung về chính sách, cần rà soát để xác định đúng đối tượng, để đưa nó vào quỹ đạo như chúng ta mong muốn.

PV: Hiện nay, suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở xã hội chỉ bằng 76% suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở thương mại cùng loại, chưa đảm bảo nguyên tắc “nhà ở xã hội cũng là nhà ở bình thường”. Quan điểm của ông thế nào về nội dung này?

Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức – Nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Ông Ngô Doãn Đức: Nhà ở xã hội hiện nay bị đem ra phân biệt. Người ta cũng ở cùng một không gian đấy, nhưng nhà ở thương mại thì được quảng cáo rầm rộ. Còn nhà ở xã hội thì bị xem nhẹ. Chất lượng thực sự của các công trình này bị chê nhiều, chất lượng kém, tiêu chuẩn các thứ chỉ ở mức cơ bản.

Quy mô, loại hình, đối tượng, diện tích các thứ phải khác nhau là bình thường, nhưng chất lượng xây dựng phải đảm bảo, chưa nói đến phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an ninh an toàn. Đừng xem thường nó, phải coi đó là bình đẳng về không gian ở.

Chúng ta cần thống nhất rằng, đối tượng ấy là chính sách. Việc người ta được hưởng lợi không phải là quy ra giá bao nhiêu chục triệu một m2, mà là giá trị sử dụng, khi doanh nghiệp không bị phụ thuộc quá vào giá bán căn hộ, mà nên là quyền lợi về đất đai, các dịch vụ khai thác kinh tế có lợi lâu dài cho người ta. Thì khi đó, các nhà đầu tư sẽ xây dựng nên những ngôi nhà, công trình chất lượng.

Những chính sách theo hướng này đã được nói đến nhiều rồi, nhưng chưa gỡ được, còn bất cập. Nó chưa đi vào cuộc sống, làm cho loại hình nhà ở xã hội có một định kiến là chất lượng thấp, quan niệm đời sống thấp. Khi vào khu nhà ở xã hội tôi có cảm giác bị phân biệt, diện tích căn hộ thì chưa hợp lý. Ở một thời gian thì xuống cấp nhanh, nào là dột, trang thiết bị hư hỏng. Người ta đến thì chê, không cảm thấy tha thiết với không gian ở đó. Về không gian quy hoạch ở đô thị đều có chỗ cho nhà ở xã hội rồi.

Cần quan tâm thứ nhất là chất lượng xây dựng nhà ở xã hội, thứ hai là đối tượng ở, đặc biệt là thứ ba: cơ chế chính sách.

PV: Xin cảm ơn ông!