Cần một Luật riêng về tư pháp cho người chưa thành niên

Trước việc quy định pháp luật về tư pháp người chưa thành niên còn một số hạn chế, bất cập, trong khi tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phạm tội có xu hướng gia tăng, mới đây, TAND Tối cao ban hành công văn về việc lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

TAND Tối cao yêu cầu chánh án các TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lấy ý kiến thảo luận về các vấn đề lớn, các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau như xử lý chuyển hướng, trách nhiệm hình sự, thủ tục tố tụng thân thiện và hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên. Kết quả gửi về TAND Tối cao trước ngày 30-01-2024.

Với mục đích nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới, đây được cho là một đạo luật rất nhân văn với người chưa thành niên, và nếu Luật được ban hành sẽ góp phần thể hiện tinh thần, trách nhiệm của Việt Nam khi thực thi Công ước Quốc tế về quyền trẻ em.

Để có thể hiểu rõ hơn về nội dung này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Ảnh nh họa

PV: Trước tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phạm tội có xu hướng gia tăng hiện nay, theo ông, việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Tư pháp dành cho người chưa thành niên sẽ có tác động như thế nào đối với xã hội nói chung và người chưa thành niên nói riêng?

Luật sư Đặng Văn Cường: Về việc ban hành luật Tư pháp người chưa thành niên quan điểm của tôi là rất cần thiết. Luật này sẽ phát triển những cái quy phạm pháp luật đã có ở nhiều văn bản pháp luật trước đó. Ví dụ như là một phần ở trong Bộ luật hình sự về người dưới 18 tuổi phạm tội, rồi là liên quan đến một phần quy định về Luật trẻ em, liên quan đến các biện pháp giáo dục tại cộng đồng hoặc là giáo dục tại cơ sở giáo dưỡng.

Khi luật này được Quốc hội thông qua thì sẽ là cái cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta quản lý, kiểm soát, xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. Cũng như là có chính sách về chuyển hướng xử lý đối với người chưa thành niên, trong trường hợp mà người chưa thành niên vi phạm ở cái mức độ mà có thể sử dụng các cái biện pháp khác, chứ không nhất thiết là phải áp dụng chế tài hình sự. 

PV: Khi bàn về Dự thảo luật Tư pháp cho người chưa thành niên, dư luận hiện đang có 2 luồng ý kiến khác nhau, về việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Có ý kiến cho rằng là phải xử lý nghiêm khắc hơn so với những quy định hiện hành. Bên cạnh đó lại có ý kiến là nên xử lý nhẹ và tìm cách giáo dục trẻ là chính. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Đặng Văn Cường: Tôi cho rằng quan điểm về việc xử lý người chưa thành niên nghiêm khắc hơn với quy định trước đây, là quan điểm không có cơ sở lý luận, cũng như là không phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người chưa thành niên.

Dưới góc độ pháp lý cũng như là góc độ nghiên cứu về xã hội học thì người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi, và đó là nhóm đối tượng đặc biệt trong xã hội, là nhóm người mà chưa phát triển đầy đủ về thể chất, về tinh thần, về nhân cách. Chính vì vậy mà gia đình, nhà trường, xã hội cần phải quan tâm, phải chăm sóc, phải giáo dục, phải bảo vệ. Vậy nên với những người dưới 18 tuổi mà phạm lỗi, thậm chí phạm tội là chuyện rất dễ xảy ra.

Còn cái nguyên tắc khi chúng ta tổng hợp lại các quy phạm pháp luật nằm rải rác ở nhiều văn bản luật thành Luật Tư pháp người chưa thành niên, thì những nguyên tắc cơ bản vẫn phải thể hiện nhất quán chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước ta với người chưa thành niên. Trong đó luôn luôn phải thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo, và dù hình phạt như thế nào chăng nữa thì phải hướng đến mục tiêu giáo dục và cơ hội giáo dục.

Hạn chế đến mức tối đa hình phạt là phạt tù và trong quá trình tố tụng dân sự, tố tụng hình sự thì cũng phải đảm bảo cái phòng xử thân thiện, cái hoạt động tố tụng thân thiện. Rồi những người tiến hành tố tụng cũng phải là những người có am hiểu về tâm sinh lý của trẻ em.

Đặc biệt là quá trình thi hành án đối với người chưa thành niên thì cũng phải đảm bảo sự nhân văn, nhân đạo để người chưa thành niên có cơ hội sửa chữa lỗi lầm và sớm tái hòa nhập cộng đồng. 

PV: Xin cảm ông.