Cần một hành lang pháp lý rõ ràng cho tài xế công nghệ

Đời sống và thu nhập của tài xế công nghệ khá bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào chính sách điều hành của các đơn vị cung ứng nền tảng công nghệ.

Ảnh nh họa: Thanh Niên

Theo khảo sát của Viện nghiên cứu khoa học và đời sống, tại TP.HCM hiện nay có khoảng 200.000 người tham gia cung ứng dịch vụ xe sử dụng nền tảng ứng dụng công nghệ (còn gọi là tài xế công nghệ). Đáng chú ý, có đến 68,3% người khi được hỏi đều cho biết đây là nghề nghiệp chính của mình.

Tuy vậy, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng viện nghiên cứu đời sống xã hội, đời sống và thu nhập của tài xế công nghệ khá bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào chính sách điều hành của các đơn vị cung ứng nền tảng công nghệ.

Ông Lộc cho rằng: "Mặc dù bản chất tham gia như người lao động nhưng các doanh nghiệp lại diễn giải là đối tác dịch vụ và họ lại sử dụng cái quyền của người sử dụng lao động. Chính vì vậy đã gây bức xúc cho nhiều anh em tài xế xe công nghệ. Họ đã treo biểu ngữ biểu tình yêu cầu hãy xem họ là đối tác thực sự, nghĩa là ngay khái niệm đối tác cũng không được đối xử công bằng. Do đó chúng ta cần có một hành lang pháp lý rõ ràng".

Đồng tình với quan điểm trên, đại diện các Sở ban ngành của TP.HCM cũng cho rằng cần sớm có bộ tiêu chí trách nhiệm xã hội dành cho các doanh nghiệp cung cấp nền tảng cũng như có thêm cơ sở pháp lý để đảm bảo đời sống cho các lái xe công nghệ trong thời gian tới.

Cũng liên quan đến vấn đề này, kể từ 17/3, hơn 70.000 tài xế ở Anh đã được hãng taxi công nghệ Uber công nhận là nhân viên chính thức và sẽ được hưởng mức lương tối thiểu, ngày nghỉ phép có trả lương, cũng như được đóng góp lương hưu. Quyết định này được đưa ra sau khi Uber thua trong vụ kiện được đưa lên Tòa án Tối cao Anh và có phán quyết vào ngày 19/2 năm nay.

Phán quyết được cho là có thể có tác động đáng kể đến khoảng 4,7 triệu người lao động trong nền kinh tế hợp đồng của Anh, từ những gã khổng lồ công nghệ như Uber và công ty giao đồ ăn Deliveroo cho đến các tên tuổi nhỏ hơn.

Ông James Farrar, cựu tài xế Uber, cho biết: "Quá nhiều người lao động trong nền kinh tế hợp đồng vẫn có thể bị cho nghỉ việc chẳng vì lý do gì. Người lao động phải có quyền được nhận trợ cấp khi ốm đau hay được bảo vệ khỏi việc bị sa thải bất công".

Trong khi đó, ông Grant Shapps - Bộ trưởng Giao thông Anh khẳng định: "Chính phủ luôn ủng hộ việc đảm bảo quyền công bằng cho người lao động như tăng lương tối thiểu hay đảm bảo mức lương đủ sống. Chúng tôi rà soát để đảm bảo sẽ không có những hợp đồng thiếu công bằng cho người lao động"

Anh là thị trường nước ngoài lớn nhất của Uber, vụ thua kiện này được cho là có thể tạo hiệu ứng lan tỏa rộng hơn, ở phạm vi khu vực hay thế giới.

Đây cũng là một trong hàng loạt động thái gần đây của các nước châu Âu trong nỗ lực tìm kiếm quyền lợi công bằng cho những người lao động trong nền kinh tế hợp đồng.