Cần làm gì để tiếp tục giảm sâu hơn TNGT do bia rượu?

Kết quả tổng kiểm soát phương tiện thời gian qua cho thấy vi phạm nồng độ cồn vẫn diễn ra tương đối phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn tài xế - Ảnh nh họa  T.Hùng

Mặc dù đã có nhiều tín hiệu tích cực từ việc xử lý nghiêm với hành vi vi phạm nồng độ cồn, TNGT trong 6 tháng đầu năm đã giảm khá sâu so với cùng kỳ năm trước, song kết quả tổng kiểm soát phương tiện thời gian qua cho thấy vi phạm nồng độ cồn vẫn diễn ra tương đối phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Đề cập giải pháp thực hiện thời gian tới, Trung tá Phạm Tuấn Anh, Phó đội trưởng Đội tuyên truyền, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ chủ động nắm tình hình, đề xuất triển khai các biện pháp, kế hoạch tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc và TNGT, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn.

"Tham mưu cho Giám đốc Công an thành phố triển khai và kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng ôtô kinh doanh vận tải vi phạm các quy định về TTATGT vận tải đường bộ trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các hành vi vi phạm, xử lý triệt để vi phạm về nồng độ cồn", trung tá Phạm Tuấn Anh cho biết.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cũng cho biết, đối với việc hạn chế tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông phải đồng bộ các biện pháp, từ nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, quản lý chặt hơn cả người điều khiển và an toàn của phương tiện.

Đại tá Đỗ Thanh Bình cho rằng, lực lượng CSGT đang nghiên cứu để xác định tuyến, địa bàn thường xuyên có hành vi vi phạm về nồng độ cồn để có biện pháp ngăn chặn, xử lý: "Qua làm việc với cảnh sát các nước thì người ta còn khuyến cáo là nên kiểm tra cả buổi sáng hôm sau và chúng tôi sẽ tham mưu, có những quy định rất rõ ràng khi anh không thực hiện cái quy định đó thì cái chế tài không những là thực hiện theo Nghị định 100 và lực lượng CSGT phải có thẩm quyền hơn để tránh việc kiểm tra rất mất nhiều thời gian và chống người thi hành công vụ đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn".

Trung tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an TP. HCM cũng cho biết, thời gian tới, lực lượng CSGT Thành phố sẽ khảo sát lại công tác tổ chức giao thông trên tất cả các tuyến đường của Thành phố, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật cho người tham gia giao thông để hạn chế vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện: "Tùy từng thời điểm, chúng tôi sẽ triển khai một số kế hoạch chuyên đề tập trung lực lượng, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát xử lý những vi phạm chính là nguyên nhân dẫn đến TNGT, trong đó tập trung vào một số hành vi như: vi phạm tốc độ, vi phạm về dừng đỗ, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn".

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho rằng, để việc giám sát, xử lý đối với tài xế được hiệu quả, thông tin về tài xế bị xử lý cần được thông báo về doanh nghiệp: "Nếu như anh thông báo một cách đầy đủ thì doanh nghiệp sẽ theo dõi một cách hệ thống mà anh này vi phạm nhiều lần thì chuyện xem xét mức lương rồi cuối năm bình xét các thứ để phân hạng người ta sẽ tính đến. Thứ 3 nếu anh vi phạm nhiều lần mà người ta nhắc nhiều lần không được người ta có thể chấm dứt hợp đồng trước thời hạn".   

Ông Quyền cũng cho rằng, đôi khi việc tuần tra xử lý trực tiếp tại hiện trường chỉ mang tính cưỡng chế vi phạm tức thời, chứ không tác động để thay đổi hành vi của lái xe nhiều như những hình thức xử lý thường xuyên của doanh nghiệp.

----

Để tìm hiểu thêm, quý thính giả có thể lắng nghe trao đổi giữa phóng viên VOVGT với các vị khách mời là Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT, Bộ Công an và PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế Công cộng trong chương trình Diễn đàn 91, với chủ đề: Giảm thiểu tai nạn giao thông do bia rượu, còn nhiều thách thức phải vượt qua