Cần đánh giá kỹ trước khi luật hóa quy định khám sức khỏe tiền hôn nhân

Bộ Y tế đã đề xuất luật hóa việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng gia đình hạnh phúc.

Đây là chủ trương có ý nghĩa tích cực với xã hội, tuy nhiên vẫn có những ý kiến cho rằng cần tính toán rất kỹ để tác động của quy định không ảnh hưởng tới tự do cá nhân và đạt được hiệu quả trong triển khai thực tế.

Về điều này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là bước chuẩn bị không thể thiếu cho một cuộc hôn nhân khỏe mạnh, hạnh phúc bền vững. (Ảnh nh họa: SKĐS)

PV: Có ý kiến cho rằng việc đề xuất luật hóa quy định khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ can thiệp quá mức vào quyền riêng tư của các cặp đôi, việc này nên dựa vào sự tự nguyện, từ đó đặt ra câu hỏi về sự cân nhắc giữa lợi ích công cộng và quyền cá nhân. Bà có quan điểm thế nào về đề xuất nêu trên?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Khám sức khỏe tiền hôn nhân là một việc làm vô cùng cần thiết và cái lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân thì không có gì để bàn cãi nữa. Tuy nhiên chúng ta có nên luật hóa điều này hay không thì tôi thấy, nếu chúng ta muốn luật hóa trong thời điểm này thì cần hết sức cân nhắc và đánh giá tác động nhiều chiều của nó. Thứ nhất, hiện nay ở Việt Nam thói quen khám sức khỏe định kỳ của người dân chưa nhiều, mà chỉ khi gặp vấn đề sức khỏe người ta mới đi khám và cũng theo quan điểm của số đông là đi khám có nghĩa là có vấn đề.

Việc thứ hai nữa là nếu muốn luật hóa thì chúng ta phải rà soát thật kỹ là chúng ta đã chuẩn bị được những gì về hạ tầng. Bởi vì khi chúng ta đã luật hóa thì đã trở thành bắt buộc, chúng ta phải thực hiện, hiện nay ở các vùng sâu, vùng xa, thậm chí là những vùng nông thôn, đi khám sức khỏe định kỳ còn là một vấn đề rất xa lạ và xa xỉ.

Vậy thì chúng ta yêu cầu Luật hóa khám sức khỏe tiền hôn nhân thì tôi e rằng trong thời điểm này rất khó thực hiện. Nếu chúng ta ban hành luật ra mà lại chỉ thực hiện được ở một số địa bàn thì nó không có nghĩa lý gì cả. Cho nên tôi nghĩ rằng cần rà soát kỹ lưỡng và đánh giá tác động mặc dù nó đã rất cần thiết rồi.

PV: Việc triển khai có thể gặp khó khăn trong thực tế nếu tiến tới luật hoá quy định khám sức khoẻ tiền hôn nhân. Bà có ý kiến gì về sự hợp tác giữa các bên để đảm bảo việc khám sức khỏe tiền hôn nhân được thực hiện đầy đủ và hiệu quả?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Theo tôi giải pháp tốt nhất, trước mắt chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền thực sự sâu rộng và hiệu quả về lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân. Chỉ khi nào mà người dân thấm thía được một cách sâu sắc sự cần thiết, ưu việt của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân thì chúng ta chưa cần quy định trong luật, người dân cũng đã tự nguyện rồi.

Giải pháp thứ hai là đối với ngành y tế thì tập trung trong thời gian tới đầu tư cho lĩnh vực khám sức khỏe tiền hôn nhân, đầu tư cả về nhân lực, trang thiết bị, nghiên cứu khoa học để làm sao qua việc khám sức khỏe tiền hôn nhân thì đội ngũ nhân viên y tế có thể phát hiện được nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe tiền hôn nhân và có những tư vấn tốt nhất.

Nếu như chúng ta thực hiện tốt được hai giải pháp này thì số lượng người quan tâm đến khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ tăng lên.

PV: Xin cảm ơn bà.

Cũng liên quan đến vấn đề này, có ý kiến cho rằng để gia đình hạnh phúc cần nhiều yếu tố khác ngoài sức khoẻ, như giáo dục về hôn nhân, tình dục và cách duy trì quan hệ gia đình, và nên chăng cần đặt ưu tiên cho những yếu tố đó giống như đề xuất luật hoá quy định khám sức khoẻ tiền hôn nhân.

Bà Phạm Hoàng Giang, giám đốc Trung tâm Truyền thông và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Tổng hội Y học Việt Nam nêu ý kiến: "Việc luật hóa khám sức khỏe tiền hôn nhân thì cần được xem xét kỹ lưỡng từ nhiều góc độ để đảm bảo cân bằng giữa lợi ích y tế, lợi ích xã hội và quyền riêng tư cá nhân. Bên cạnh việc khám sức khỏe tiền hôn nhân thì giáo dục về đời sống gia đình và những yếu tố khác cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền vững. Thứ nhất là kỹ năng giao tiếp, hiểu và thực hành những kỹ năng hiệu quả cũng giúp các cặp đôi tránh hiểu nhầm, giải quyết xung đột.

Thứ hai là kỹ năng về quản lý tài chính, lập ngân sách, tiết kiệm hay là giảm stress liên quan đến tiền bạc. Thứ ba nữa là kỹ năng để giải quyết xung đột và tôn trọng lẫn nhau, tránh sử dụng bạo lực hoặc là lời lẽ xúc phạm. Thứ tư là chia sẻ trách nhiệm, phân công những công việc và trách nhiệm ở trong gia đình công bằng. Thứ năm là kỹ năng nuôi dạy con cái, ngoài ra là hiểu biết về mặt tâm lý để mà thấu hiểu và đồng cảm. Để giúp xây dựng một mối quan hệ tình cảm bền vững thì các chương trình giáo dục về đời sống gia đình cũng nên bao gồm những nội dung như trên và được thiết kế làm sao cho phù hợp với từng giai đoạn và nhu cầu của các cặp đôi.”