Cần cân nhắc chức năng của các Bộ, ngành trong quản lý GPLX

Công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe được đề xuất do Bộ Công an quản lý. Điều này sẽ có tác động xã hội như thế nào?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang họp và cho ý kiến 2 dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.

Đáng chú ý, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi lần này không còn quy định về quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, mà công tác này được đề cập tại Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Nói cách khác, công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe được đề xuất do Bộ Công an quản lý. Điều này sẽ có tác động xã hội như thế nào?

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe được đề xuất do Bộ Công an quản lý. Ảnh: Người lao động

PV: Thưa bà, hiện nay công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe được đề xuất do Bộ Công an quản lý. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Trần Thị Quốc Khánh: Trong quá trình rà soát chức năng, nhiệm vụ của bộ máy Nhà nước, Chính phủ cần cân nhắc, có những việc đang giao cho Bộ này lại giao cho Bộ khác thì cái này cần phải được xem xét, rà soát dưới góc độ khoa học quản lý, chứ không nên có những chuyển giao mà chưa rõ vì sao lại phải chuyển giao?

Hay trước đây Bộ GTVT làm chưa tốt? Làm chưa tốt thì bây giờ Chính phủ phải tăng cường công tác này như thế nào?

Trong khi đấy, ngành công an còn đang rất nhiều việc, vấn đề phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật… bây giờ mình lại đi sang một lĩnh vực mang tính chất hoàn toàn dân sự, là vấn đề về sát hạch, mà thực ra sát hạch này đứng ở góc độ dịch vụ công thì người ta giao cho các Hiệp hội.

Nhiều luật người ta cũng quy định vấn đề kiểm định chất lượng thì nhiều khi người ta phải giao cho các Hiệp hội ngành nghề người ta làm. Làm như thế nó hợp lý hơn và nó đi đúng với xu hướng là khoa học quản lý.

Lúc đấy, các cơ quan nhà nước sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, làm không tốt thì xử lý vi phạm, chứ không có nghĩa mình ôm vào làm. Thế thì, mình làm không tốt thì ai xử lý đây?

PV: Theo bà, nếu việc chuyển đổi cơ quan quản lý lĩnh vực này thành hiện thực thì sẽ có tác động xã hội như thế nào?

Bà Trần Thị Quốc Khánh: Chỗ này phải xem xét và ở đây thì đề nghị thường vụ Quốc hội phải có những định hướng làm sao cho đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước, chứ nếu mà chúng ta nể nang hoặc có những ngại ngùng gì mà cuối cùng cứ đưa ra Quốc hội bàn thì lúc ấy rất nhiều ý kiến ngược xuôi.

Mà tôi còn được biết có một số luật trước đây quy định ở bộ này nhưng mà giao nhiệm vụ đấy cho bộ khác, thì chuyển giao toàn bộ bộ máy chuyển sang bộ máy bên kia, chứ không phải Bộ Công an lại tăng quân số, còn Bộ Giao thông đang làm cái này thì bây giờ ngồi chơi à, hay là tinh giản bộ máy đấy thì có lãng phí nguồn nhân lực không?

PV: Vâng, xin cảm ơn bà.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 16/9 tại đây: