Cấm xe máy, góc nhìn từ những người đã bỏ xe máy

Hà Nội sẽ hạn chế ô tô, xe máy chạy xăng vào 5 khu vực phát thải thấp trong thành phố. Muốn di chuyển, các phương tiện phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt, hoặc trả phí rất cao. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng định hướng việc tiến tới dừng hoạt động xe máy trong khu vực nội đô vào năm 2030.

Đây là những nội dung đáng chú ý trong dự thảo cụ thể hóa Luật Thủ đô đã được thông qua. Vậy những người đã từ bỏ xe máy, họ nói gì về việc cấm xe máy? 

 

Theo lộ trình, xe máy sẽ được kiểm định khí thải từ 2025 và bị dừng hoạt động ở nội đô Hà Nội từ năm 2030.

Hàng ngày, anh Võ Mạnh Trường, 31 tuổi, công tác tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) lại lên xe buýt để di chuyển lộ trình 10 cây số từ nhà ở đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) lên đường Giải Phóng. Dù sở hữu xe máy, ô tô cá nhân, nhưng thói quen sử dụng phương tiện công cộng đã được anh duy trì 10 năm từ thời sinh viên.

Theo anh Trường, xe buýt không đảm bảo 100% nhu cầu đi lại, nếu phát sinh việc đột xuất. Tuy nhiên, việc di chuyển này cũng có nhiều ưu điểm để anh dần từ bỏ phương tiện cá nhân.

“Chỉ đáp ứng được 60-70% thôi. Mình đi làm cố định điểm thì vẫn đi bình thường. Còn lúc đi chơi, công tác đột xuất thì một phải đi taxi, hai là cũng tự túc xe máy, hay ô tô. Không hoàn toàn đảm bảo nhu cầu các chuyến đi, dù xe buýt có độ bao phủ rộng. Chịu khó đi bộ thì xe buýt cũng được. Như mình nói, đi xe máy thì bụi bặm, Hà Nội hơi ô nhiễm, chỗ đỗ xe không phải lúc nào cũng thuận tiện, và xe máy thì không thể an toàn bằng xe buýt”.

Ở góc độ một bác sĩ, anh Võ Mạnh Trường cho rằng, ít nhiều, ô nhiễm không khí do phát thải từ phương tiện giao thông cũng ảnh hưởng tới sức khỏe con người, đặc biệt là hệ hô hấp. Chưa kể nguy cơ tai nạn, thương tích, những căng thẳng do ách tắc, còi xe, va chạm, mâu thuẫn giao thông gây ra với người tham gia giao thông.

Là người đã và đang không còn phụ thuộc vào xe cá nhân, anh Trường tin tưởng mục tiêu dừng hoạt động xe máy trong nội đô Hà Nội vào năm 2030 là khả thi.

“Giải pháp quan trọng nhất để hoàn thành mục tiêu đấy là hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng. Có hai việc thành phố đang tích cực làm, đó là xe buýt chuyển sang xe điện, tiêu chuẩn khí thải nâng lên Euro 5; và hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt đô thị ngày càng tiện dụng. Khi người ta sử dụng giao thông công cộng thuận tiện, tự người ta đổi thôi, không cần phải cấm. Và khi ấy, cái quyết định cấm xe máy sẽ không quá gay gắt và nhận phản ứng trái chiều nhiều nữa đâu”.

Anh Võ Mạnh Trường, công tác bệnh viện Bạch Mai, đi làm hàng ngày 10 cây số bằng xe buýt, cho rằng, khi phương tiện công cộng hoàn thiện và hấp dẫn, việc cấm xe máy sẽ không vấp phải phản ứng trái chiều, gay g

Tương tự, câu chuyện từ bỏ xe máy của Đỗ Thu Huyền, sinh viên năm 3 Học viện Chính sách và phát triển, cũng có thể là một gợi mở cho những người còn lưỡng lự.

Hàng ngày Huyền bắt xe buýt số 19 ở Học viện An ninh (Hà Đông) lên Nam An Khánh để đi học. Với tấm vé tháng trị giá 200 nghìn đồng, kể cả khi có cuộc hẹn đi chơi lên trung tâm thành phố, cô cũng sử dụng xe buýt và tiết kiệm được đáng kể chi phí. Đặc biệt là cảm giác thoải mái và an toàn.

“Em đây, em là nạn nhân của 2 vụ tai nạn xe máy mà lỗi không phải của mình. Tức là đang đứng một chỗ, dừng đèn đỏ, nhưng xe ôm công nghệ rồi mấy bạn trẻ tổ lái đi qua rồi quẹt làm em ngã. Rồi ùn tắc, ở ngã tư không đèn đỏ, xe máy va chạm nhiều, rất dễ gây tai nạn. Em phải nghỉ dưỡng 2 tuần ở nhà, hạn chế việc đi lại”.

Đỗ Thu Huyền cho rằng, để dần từ bỏ xe cá nhân đòi hỏi yếu tố lớn nhất chính là quyết tâm và kỷ luật bản thân, cần phải sắp xếp thời gian làm sao khoa học nhất.

“Thời gian đầu, việc dậy sớm bắt kịp chuyến xe buýt là một nỗi ám ảnh. Nhưng sau đó, dần hình thành được nếp dậy thì mình cũng quen với tần suất 5-10 phút/chuyến xe buýt. Em nghĩ việc hạn chế xe xăng trong nội đô là một việc rất khó. Phương án này đề ra khá lâu rồi. Là người trẻ, em hoàn toàn ủng hộ sang các phương tiện xanh. Hầu như công ty em chuyển sang đi xe ôm chạy điện hết rồi”.

Đỗ Thu Huyền, sinh viên năm 3 Học viện Chính sách và phát triển từng bị tai nạn xe máy 2 lần. Hiện tại cô chủ yếu di chuyển bằng buýt và tàu điện cho nhu cầu đi học, đi làm và đi chơi.

Trong khi đó, anh Lê Chiêm, người chuyển sang đạp xe đi làm từ 2 năm nay, khẳng định, bỏ xe máy mang lại cho anh lợi ích sức khỏe. Nhưng kèm với đó cũng cần một số điều kiện phù hợp, ví dụ như: Trường học của các con gần nhà, có thể đi bộ; Công việc văn phòng, chủ yếu chỉ di chuyển tuyến đường cố định từ một điểm đến một điểm; Thích rèn luyện sức khỏe, không ngại bụi bặm, thời tiết cực đoan, mưa nắng thất thường, vượt qua được khó khăn về hạ tầng đường sá, đặc biệt là vỉa hè, lề đường chưa thuận lợi, chưa có nhiều làn riêng cho xe đạp.

“Mỗi nhà ví dụ có 2 vợ chồng, 2 con lớn đi học mà có 4 cái xe máy thì riêng việc để xe đã khó khăn, rồi chi phí nhiên liệu, sửa chữa cũng cao, chưa nói đến vấn đề bảo vệ môi trường. Ở góc độ của mình, xe máy với mình hiện tại đã không còn quan trọng nữa. Mình tìm một phương tiện thay thế, nếu được mình thích đi xe buýt hơn, nhưng chỗ làm chưa có tuyến buýt phù hợp, nên mình chọn đi xe đạp”.

Có thể nhận thấy, những người từ bỏ sự lệ thuộc vào xe máy đang ngày một nhiều hơn. Mục tiêu kiểm định khí thải xe máy, tiến tới cấm xe máy vào nội đô không hẳn là bất khả thi với Hà Nội. Nhưng mục tiêu này cần những điều kiện cần và đủ, mà tiên quyết là một hệ thống giao thông công cộng đủ sức hấp dẫn, lôi kéo người dân rời xa phương tiện cá nhân./.