Cấm xe khách giường nằm vào trung tâm TP.HCM: Trong yên ắng, ngoài nhộn nhịp

Sau 3 ngày cấm xe khách giường nằm vào Trung tâm TP.HCM từ 6 giờ đến 22 giờ, nhiều khu vực nội đô trở nên yên ắng. Tuy nhiên, tại các tuyến đường vành đai thì tình hình ngược lại.

Trái ngược với sự nhộn nhịp trước kia, nhiều tuyến đường nội đô như Đồng Đen, Hồng Lạc, Phạm Phú Thứ, Âu Cơ (quận Tân Bình) không còn thấy cảnh xe khách giường nằm đỗ chờ khách như mọi khi.

Tương tự, dọc các trục đường dẫn vào trung tâm thành phố như Cách Mạng Tháng Tám, Cộng Hòa, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Tri Phương, Lê Hồng Phong… khá vắng vẻ, không thấy bóng dáng của xe khách giường nằm như trước.

TP.HCM thực hiện hạn chế xe khách đi vào nội đô để thiết lập trật tự an toàn giao thông (Ảnh: Tuổi trẻ)

Tại tuyến đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) đoạn từ ngã 4 Hàng Xanh đến cầu Sài Gòn cũng không còn cảnh bát nháo của xe giường nằm đón trả khách. 1 số bến cóc tại đây cũng đã “biến mất” sau lệnh cấm. Điều này đã giảm áp lực rất nhiều cho giao thông ở khu vực trung tâm thành phố và được người dân đồng tình ủng hộ:

"Theo mình những xe to mà cấm vào thành phố thì đúng là đỡ ùn tắc giao thông vì xe này nó to và chiếm diện tích".

"Nếu mà cấm những xe thuộc về tuyến cố định mà bến dù bến cốc thì quá tốt".

"Tôi cũng mong muốn là triển khai và triển khai quyết liệt để tạo ra sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, thứ 2 nữa là tránh thách thu thuế".

Tuy nhiên, khu trung tâm yên ắng thì tại các tuyến đường ngoài vành đai cấm xe giường nằm lại trở nên nhộn nhịp. Đi dọc Quốc lộ 1, từ quận Bình Tân đến TP. Thủ Đức, nhiều xe khách dừng, đón trả khách dọc đường rất bát nháo. Hầu như chỗ nào có cây xăng, trạm xe buýt là có khách ngồi chờ, tạo thành các điểm xe dù bến cóc.

Tại văn phòng nhà xe Phương Trang trên đường Song hành Xa lộ Hà Nội (TP.Thủ Đức), ghi nhận từ 19 giờ tối, có nhiều xe giường nằm của hãng này đang nhộn nhịp ra vào để chở khách. Do mặt đường nhỏ trong khi chiếc xe đậu lại chiếm nửa lòng đường khiến các phương tiện lưu thông qua đây hết sức khó khăn.

Còn tại cửa ngõ phía Tây, sau giờ cấm, hàng loạt xe giường nằm hướng từ các tỉnh ền Tây bắt đầu ồ ạt chạy vào nội đô để đón khách. Lập chốt kiểm tra trên đường Võ Trần Chí (quận Bình Tân), Tổ công tác của Đội CSGT An Lạc (thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP.HCM) đã phát hiện, lập biên bản xử lý nhiều trường hợp xe giường nằm vi phạm với các lỗi như: không xuất trình được lệnh vận chuyển, đi sai lộ trình và để hàng hóa trong khoang hành khách.

Thượng tá Đoàn Văn Quới (Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP.HCM) cho biết, ngoài việc tập trung lực lượng ở khu vực trung tâm thành phố, CSGT còn tăng cường tuần tra kiểm soát trên các tuyến vành đai để xử lý những hành vi vi phạm.

“Chúng tôi tập trung lực lượng, tăng cường tuần tra kiểm soát trên các tuyến vành đai để phát hiện những hành vi vi phạm; bố trí lực lượng tại khu vực nội đô để xử lý các xe khách giường nằm không chấp hành quy định. Chúng tôi cũng tham mưu cho Ban Giám đốc Công an TP.HCM xây dựng kế hoạch triển khai đến 21 quận huyện và TP. Thủ Đức đồng loạt ra quân để xử lý nghiêm túc nội dung của Ủy ban Nhân dân Thành phố”, Thượng tá Đoàn Văn Quới nói.

Các chuyên gia nhận định, hạ tầng nội đô TP.HCM đang quá hạn chế như đường hẹp và việc cải tạo nâng cấp là rất khó khăn nên phương án cấm xe khách cỡ lớn vào nội đô là đúng đắn. Tuy nhiên, theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (Chuyên về quy hoạch đô thị), khi cấm xe khách vào nội đô, TP.HCM phải giải quyết câu chuyện trung chuyển, đi lại cho người dân bằng những xe cỡ nhỏ, xe buýt, metro…..

“Đưa xe khách ra ngoài thì cũng nên lập ra các bên xe, phía đông tây nam bắc, tối thiểu là 4 bến, có thể hơn nữa. Nó cũng nên gắn kết với hệ thống đường vành đai, phát triển những mạng lưới giao thông công cộng ở trong nội thành. Và đặc biệt là giao thông công cộng nối đến các bến xe khách, phát triển những hệ thống xe trung chuyển để tạo sự thuận lợi cho khách hàng”, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn.

Sở GTVT TP.HCM cho biết, sẽ thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện để có phương án tổ chức giao thông linh hoạt, kịp thời và phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố.