Buồn, vui, tất bật sau công bố điểm chuẩn vào lớp 10

Trong một năm học đặc biệt, khi số lượng thí sinh tăng đột biến tới 14.000 em so với năm học trước, các gia đình dù vui mừng vì con thi đỗ hay thất vọng bởi kết quả không như mong đợi, nay phải tất bật với việc nộp hồ sơ nhập học, hoặc chuẩn bị xin cho con một trường dân lập phù hợp.

Sau khi các trường THPT công lập tại Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10, Nguyễn Vũ Phương Linh, ở quận Ba Đình đã thở phào nhẹ nhõm khi trúng tuyển vào Trường THPT Phạm Hồng Thái.

Nhớ lại những áp lực khủng khiếp trước kỳ thi, giọng Phương Linh vẫn còn run run: 'Áp lực từ phía thầy cô giáo. Khoảng 1 tuần trước khi thi, cô dạy Toán của cháu nói là đăng ký 2 nguyện vọng như thế này sợ trượt hết. Không biết phải nói thế nào nữa, nó đau ạ! Cháu thấy các bạn của cháu không đỗ, lúc nào cũng lo về hàng xóm nói gì'.

Không được may mắn như Phương Linh, khoảng 27.000 học sinh tại Hà Nội sẽ tìm kiếm cơ hội ở hệ thống trường ngoài công lập. Thất vọng là cảm xúc không thể tránh khỏi, nhưng điều mà dư luận lo ngại là những suy nghĩ tiêu cực có thể nảy sinh.

Như trường hợp một học sinh bỏ nhà đi ngày 9/7 vừa qua do kết quả thi lớp 10 không tốt, may mắn gia đình đã tìm thấy em sau đó.

Chị Vũ Thanh Huyền cùng nhiều phụ huynh khác cảm thấy rất lo lắng khi thầy cô, cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng và áp lực cho con. Đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội thiếu trường lớp, sự cạnh tranh trong các kỳ thi tương lai có thể ngày càng khốc liệt.

'Năm nay thực sự rất là đông, cũng đã chuẩn bị trước cho con ở một trường dân lập rồi. Những trường dân lập tốt thì cũng rất khó khăn. Cũng mong là ngành giáo dục có những chính sách, cơ sở vật chất, mở rộng trường lớp để đáp ứng nguyện vọng của các con,' chị Huyền nói.

Ảnh nh họa: Khả Hòa/Thanh niên

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, nhiều trường THCS hiện nay chưa làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh, dẫn đến việc nhiều em lầm tưởng rằng vào được trường công lập là lựa chọn duy nhất cho tương lai. Cùng với những áp lực từ gia đình, sự so sánh của cha mẹ với đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm khiến các em dễ bị tổn thương khi không đạt được kết quả như ý muốn.

'Cha mẹ học sinh, lúc con trượt thế này không nên nghe nhừng lời dèm pha. Kỳ vọng với con thì vừa thôi, mà phải kỳ công, đồng hành con. Bây giờ phấn đấu làm lại như thế nào, chọn trường phù hợp.

Năm học lớp 10 năm nay khác hẳn với các năm trước, phải có ý thức chọn nghề phù hợp với điều kiện, khả năng. Đạt ước mơ, hoài bão của mình mới là quan trọng, chứ không phải trường nọ trường kia là quan trọng', TS. Nguyễn Tùng Lâm nói.

Đồng tình với quan điểm này, ThS. Lê Thị Loan, nguyên Phó trưởng Khoa Giáo dục, Học viện quản lý giáo dục cho rằng, nếu trường nào có quan điểm đánh giá giáo viên và chất lượng đào tạo qua số học sinh đỗ vào lớp 10 công lập thì cần phải xem xét lại, tránh bệnh thành tích.

Cùng với đó, cô Loan cho rằng, “bài toán” nâng cao số lượng và chất lượng trường lớp, giảm bớt áp lực thi cử cho học sinh cần được các địa phương chú trọng:  'Đây là bài toán của các nhà quản lý, chính quyền từ trung ương đến địa phương, quận huyện rồi thành phố, chứ ngành giáo dục không thể bỏ tiền ra mà xây trường được.

Quan điểm xã hội hóa giáo dục cần được quán triệt, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư. Phải có chính sách đặc thù khuyến khích họ đầu tư, mở thêm các trường ngoài công lập để giải quyết bài toán thiếu trường lớp đang ngày càng căng thẳng ở các thành phố lớn.