Bồi thường khi chậm, hoãn chuyến bay: Lạc hậu và chưa thỏa đáng

Trong tháng 6, số chuyến bay bị chậm chuyến là hơn 5.600 chuyến, chiếm 18,2 % và tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân đã được chỉ ra, bên cạnh lý do thời tiết, việc hãng bay muốn rút ngắn thời gian quay đầu chuyến bay để tối ưu chi phí, dẫn đến tình trạng delay ngày càng phổ biến.

Trước thực tế này, dư luận đặt câu hỏi, khi hãng bay chậm, hủy làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách thì cơ chế bồi thường ra sao để thỏa đáng? Làm sao để thực thi tốt hơn việc bồi thường cho hành khách bị thiệt hại từ việc chậm hủy chuyến gây ra?

Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

PV: Theo ông, cơ chế bồi thường cho hành khách khi bị chậm, hoãn chuyến bay hiện nay đã thỏa đáng chưa? Vì sao thực thi việc này trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn?

Ông Vũ Văn Trung: Đây là việc cần thực hiện nghiêm túc và thỏa đáng để thể hiện coi trọng quyền lợi của hành khách và người tiêu dùng, và cần thỏa đáng để người tiêu dùng bớt đi bức xúc, khó khăn.

Mức bồi thường hiện nay đưa ra từ năm 2015, đến nay đã 7 năm rồi và không còn phù hợp, mức đó là không thỏa đáng. Không thỏa đáng vì sự lỡ việc là hữu hình còn vô hình là sự bức xúc mà không biết kêu ai. Bồi thường phải mang đầy đủ hai ý nghĩa đó.

Còn việc xử lý để nhận tiền bồi thường thì cần rõ ràng hơn, thuận tiện cho hành khách bị lỡ, hủy chuyến đừng bị khó khăn thêm một lần nữa.

Sân bay Nội Bài trong tình trạng đông đúc những ngày gần đây (ảnh nh họa)

PV: Ông có kiến nghị gì trong việc thực hiện bồi thường chậm, hủy chuyến bay, đảm bảo quyền lợi cho hành khách?

Ông Vũ Văn Trung: Bồi thường chậm, hủy chuyến cho hành khách nếu để hãng hàng không tự làm thì có khi khi không đúng và không mang tính ràng buộc. Cái này cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không quy định tất cả các hãng đều phải nghiêm túc thực hiện.

Hành khách, người tiêu dùng rất quan tâm tới hệ thống pháp lý để các hãng chịu trách nhiệm và người tiêu dùng cũng biết thông tin. Khi quy định rõ ràng, thuận tiện thì hành khách sẽ thuận tiện, còn quy định không rõ ràng thì hành khách sẽ không thể nắm bắt được.

Về phía các hãng bay, khi mà phải chậm chuyến có đền bù cho hành khách hơn các hãng khác thì sẽ tăng thêm uy tín của hãng tăng lên, người tiêu dùng sẽ sử dụng dịch vụ của hãng đó nhiều hơn.

Đối với các đường bay quốc tế, cần nghiên cứu xem các hãng hàng không quốc tế, họ xử lý việc chậm, hủy chuyến như thế nào để bồi thường. Tôi nghĩ cần điều chỉnh lại theo mức tăng hơn.

PV: Xin được cảm ơn ông!

Theo Luật sư Nguyễn Danh Huế, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nhằm giảm tình trạng chậm, hủy chuyến bay, mấu chốt nằm ở quy trình quản lý bay cũng như trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hàng không.

“Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước để chấm dứt tình trạng delay các chuyến bay quá nhiều như hiện nay làm cho quyền lợi của khách hàng bị ảnh hưởng.

Hành khách sử dụng dịch vụ hàng không nên trở thành người tiêu dùng thông thái, lựa chọn những hãng bay có cam kết cao, không bị delay nhiều, tôn trọng khách hàng cho những kỳ nghỉ hay chuyến đi công tác của mình”, Luật sư Nguyễn Danh Huế cho biết.