Bộ Y tế yêu cầu làm rõ vụ tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc trị ung thư

VOVGT – Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế Tp.HCM báo cáo việc phải tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc trị ung thư…

Công văn Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) gửi Sở Y tế Tp.HCM

Chiều 3/5, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, đã ký công văn hỏa tốc gửi Sở Y tế Tp.HCM yêu cầu làm rõ việc Bệnh viện (BV) Truyền máu và Huyết học Tp.HCM phải tiêu hủy 20.000 viên thuốc viện trợ Tasigna đặc trị ung thư hết hạn sử dụng.

Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế Tp.HCM khẩn trương rà soát và có báo cáo bằng văn bản về Vụ Bảo hiểm y tế và Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) trước ngày 7/5/2017.

Trước đó, theo kết luận Thanh tra Tp.HCM công bố, kiểm tra tại kho thuốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học Tp.HCM đến ngày 31/12/2015 ghi nhận tồn kho 19.997 viên thuốc Tasigna 200mg đã hết hạn sử dụng từ tháng 5/2015.

Bác sỹ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học Tp.HCM cho biết: số thuốc viện trợ phải tiêu hủy tính theo đơn giá vào thời điểm tiếp nhận năm 2015 là gần 3,9 tỷ đồng, không phải gần 14 tỷ đồng vào thời điểm thanh tra như một số thông tin đã đưa ra, VOV đưa tin.

Bác sĩ Dũng cho biết thêm thuốc được viện trợ dành cho những bệnh nhân đã bị kháng thuốc Glivec - thế hệ thuốc thứ 1 đặc trị bệnh Bạch cầu mạn dòng tủy và bắt buộc phải chuyển qua sử dụng thuốc Tasigna nếu không sẽ tử vong. Tuy nhiên, quá trình làm thủ tục nhập lô thuốc này về Việt Nam, các thủ tục cấp phép phức tạp, kéo dài mất 1 năm mới nhập được thuốc về.

Thuốc Tasgina. Ảnh: tradeindia

Cụ thể, tháng 7/2013, Bệnh viện nhận được thư tặng thuốc Tasigna từ nhà sản xuất. Đến ngày 26/11/2013 bệnh viện mới nhận được bộ chứng từ để đi làm thủ tục xin phép các cấp: Bao gồm Sở Y tế, Liên hiệp Hữu nghị, Ủy ban Nhân dân thành phố, Cục Quản lý Dược, Sở Tài chính thành phố. Đến ngày 21/7/2014, sau 1 năm thì Sở Tài chính có công văn cho công ty tài trợ chuyển hàng về Việt Nam. Khi đó, thuốc chỉ còn hạn sử dụng chưa đầy 10 tháng. Ngày 27/4/2014, thuốc về tới cảng Tân Sơn Nhất, nhưng Chi cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh không đồng ý cho bệnh viện nhận thuốc với lý do hạn sử dụng của thuốc dưới 12 tháng. Sau nhiều lần kiến nghị lên Sở Y tế, Bộ Y tế và Cục Hải quan, đến ngày 13/8/2014 bệnh viện mới được nhận thuốc.

Một nguyên nhân khác nữa là theo quy định của chương trình, bệnh nhân phải đồng chi trả 4%, tương đương phải đóng 42 triệu đồng mỗi năm. Cuối cùng chỉ còn 26 bệnh nhân đủ điều kiện tham gia chương trình. Bệnh viện đã chủ động đề nghị với công ty viện trợ mở rộng chương trình sang cho các bệnh nhân ở bệnh viện khác hoặc ễn đồng chi trả cho bệnh nhân để tận dụng hết số thuốc nhưng công ty không đồng ý mà chấp nhận việc tiêu hủy.

Bác sĩ Dũng nhận định, dù rất đau lòng phải hủy bỏ thuốc nhưng sự việc đã mở ra nhiều cơ hội cho bệnh nhân Việt Nam. Trước mắt đã cứu được 26 người bệnh sử dụng kịp thời thuốc ở thời điểm đó. Ngày 1/1/2015, công ty dược và Bộ Y tế đã mở chương trình GIPAP 2. Bệnh nhân nếu đã có đăng ký bảo hiểm liên tục trên 3 năm sẽ không phải trả 42 triệu đồng nữa mà được sử dụng thuốc Tasigna ễn phí, trong đó bảo hiểm trả 40%, công ty trả 60%.

Bác sĩ Dũng nói:

 

Hiện Bệnh viện Truyền máu Huyết học Tp.HCM có 150 bệnh nhân được nhận thuốc Tagsina. Những bệnh nhân không có bảo hiểm hoặc chưa đủ thời gian đăng ký bảo hiểm 3 năm sẽ chi trả 4% theo chương trình Tagsina Copay.

Cả nước hiện có khoảng 3.000 bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy, riêng Bệnh viện Truyền máu Huyết học Tp.HCM quản lý 1.300 người. Trước đây chỉ có cách chữa bằng ghép tủy, hiện việc điều trị bằng các thuốc này mang lại hiệu quả cao. Bệnh viện đang đề xuất công ty dược cho phép các trung tâm trong cả nước có thể mượn thuốc qua lại, cung cấp thuốc có hạn sử dụng dài hơn.