Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng, ngoài việc "chặn" tình trạng bỏ xe, không nộp phạt bằng hình thức không cho cấp đổi giấy phép lái xe, cần đổi mới, rút ngắn quy trình đấu giá phương tiện vi phạm.
Bị giữ xe vì vi phạm nồng độ cồn, anh Nguyễn Văn Mạnh (ở Hà Đông, Hà Nội) được cán bộ Đội CSGT số 6 thông báo, mức phạt với hành vi vi phạm này bị tạm giữ phương tiện, bị phạt tới 8 triệu đồng.
Tần ngần một lúc, anh Mạnh đành bàn giao phương tiện cho lực lượng CSGT: "Em bị vi phạm lỗi nồng độ cồn, mức phạt khá cao, nhưng nói chung phương tiện đi lại, mình vẫn phải lấy ra vì công việc của mình thôi".
Tài xế xe công nghệ Nguyễn Văn Tuấn (ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) bị lập biên bản vi phạm vì đi vào Vành đai 3 trên cao, đoạn từ Cổ Nhuế đến Mai Dịch. Khi được phổ biến mức phạt với hành vi này lên tới 5 triệu đồng, anh Tuấn cân nhắc đến việc bỏ xe, vì mức phạt đó còn cao hơn giá trị chiếc xe: "Em chở khách từ khu Ngoại giao đoàn về bến xe buýt Đại học Sư phạm, mới có lên một đoạn thôi ạ. Đoạn đấy tắc quá, ùn quá, khách giục đi nhanh nên em lách lên đấy".
Một số tài xế mô tô, xe máy bị tạm giữ phương tiện khi đi vào đường Vành đai 3 trên cao cũng băn khoăn, khi so sánh giá trị phương tiện với mức phạt theo quy định mới:
"Đơn này được 10 nghìn, nếu bị phạt 5 triệu thì em mất nửa tháng lương".
"Em đi vào đường cao tốc, đoạn đường chỗ sân bóng nó tắc nên em đi vào".
Theo thông tin từ Cục CSGT, 15 ngày đầu thực hiện Nghị định 168, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý trên 174.600 trường hợp vi phạm TTATGT; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn gần 18 nghìn trường hợp; tạm giữ 955 ôtô, gần 50.000 môtô; gần 12.700 trường hợp giấy phép lái xe bị trừ điểm.
Trước băn khoăn người dân có thể “bỏ xe chạy lấy người”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, đây không phải tình hình mới, mà trước đó, khi thực hiện Nghị định 100/2019, nâng mức phạt vi phạm nồng độ cồn lên tới 8 triệu đồng đối với mô tô, cũng đã xuất hiện tình trạng người vi phạm bỏ xe, không đến chấp hành quyết định xử phạt. Đối với những trường hợp này, Luật TTATGT đường bộ đã đề ra nhiều quy định để ngăn chặn, xử lý, trong đó áp dụng cả với phương tiện và người điều khiển phương tiện vi phạm:
"Luật TTATGT đường bộ đã có những quy định rất chặt chẽ, nếu chủ phương tiện không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm thì phương tiện sẽ không được kiểm định, không thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ. Đối với người vi phạm không phối hợp với lực lượng chức năng trong việc xử lý vi phạm thì sẽ không được cấp đổi giấy phép lái xe", Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội đề xuất, cần có cơ chế riêng cho việc đấu giá phương tiện giao thông vi phạm bị tồn đọng, bởi thực tế, nhiều trường hợp, để tiến hành được một phiên đấu giá phải mất hàng năm, thậm chí vài năm:
"Tôi nghĩ phải cơ chế riêng, vì hiện nay là theo trình tự, thủ tục mà chúng ta làm được việc đấu giá, xong rồi thanh lý được các phương tiện bị tịch thu thì trình tự, thủ tục rất dài, và kéo dài hàng năm, thậm chí vài năm; lúc phương tiện vào thì nó còn mới, nếu thanh lý được sớm thì giá rất cao".
Luật sư Phạm Thành Tài, giám đốc văn phòng luật sư Phạm Danh (Hà Nội) cho rằng, cần gắn trách nhiệm của người ra quyết định tạm giữ phương tiện, khi hết thời hạn tạm giữ, phải kịp thời tiến hành các thủ tục tịch thu và đấu giá phương tiện vi phạm bị tồn đọng:
"Để việc thực thi pháp luật được đảm bảo, thì cũng phải gắn trách nhiệm của những cơ quan, đơn vị, cá nhân khi không thực hiện những thủ tục theo quy định. Khi gắn trách nhiệm vào thì tôi tin chắc rằng sẽ không còn tình trạng kéo dài thời gian thực hiện tịch thu đấu giá phương tiện bị tồn đọng".
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng, cần rút ngắn quy trình đấu giá tài sản là những phương tiện giao thông không được người vi phạm đến nhận. Chỉ khi thực hiện theo cơ chế rút gọn mới có thể góp phần giải quyết tình trạng quá tải phương tiện bị người vi phạm vứt bỏ:
"Ví dụ như tôi thông báo, sau 2 tháng không ai đến nhận là tôi bán đấu giá luôn, thì nó đỡ biến thành đống sắt vụn. Như vậy, chúng ta làm cái gì có lợi cho xã hội thì chúng ta làm chứ không phải là chần chừ. Cho nên ở đây chúng ta phải uyển chuyển để xử lý thì người dân sẽ hưởng lợi".
Không phải đến bây giờ, tình trạng người vi phạm “bỏ xe, chạy lấy người” mới diễn ra, mà trước đó, hàng nghìn phương tiện bị tạm giữ phơi mưa, phơi nắng. Bởi vậy, bên cạnh việc ràng buộc trách nhiệm của chủ xe, của người vi phạm, cần nghiên cứu, rút ngắn quy trình đấu giá phương tiện vi phạm, mới có thể góp phần giải quyết tình trạng phương tiện vi phạm bị tồn đọng.
Đây cũng là góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận: "Cần cải tiến quy trình tịch thu, đấu giá".
15 ngày đầu thực hiện Nghị định 168 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự giao thông đường bộ, dù số vụ vi phạm được phát hiện đã giảm tới 11,5%, song cũng có tới 955 ôtô, gần 50.000 mô tô bị tạm giữ.
Chưa thể khẳng định sẽ có bao nhiêu phần trăm số phương tiện bị tạm giữ kia bị chủ phương tiện bỏ rơi, không đến nhận, song nhìn từ thực tế áp dụng mức phạt cũ theo Nghị định 100/2019, nghị định 123/2020 đã cho thấy, có một tỷ lệ không nhỏ phương tiện rơi vào tình trạng vô thừa nhận. Bởi vậy, khi áp dụng Nghị định 168, mức phạt tăng lên đáng kể, không khó để hình dung, số người vi phạm “bỏ của chạy lấy người” là không ít.
Để ngăn chặn tình trạng này, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã đề ra nhiều quy định mới. Chẳng hạn, theo khoản 2, Điều 43, khoản 4, Điều 62, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, người vi phạm không nộp phạt sẽ không được cấp đổi giấy phép lái xe. Đây được coi là biện pháp mạnh nhằm gây áp lực, buộc người vi phạm phải thực hiện trách nhiệm của mình.
Biện pháp này sẽ tăng tính răn đe, bởi khi biết rằng việc không nộp phạt có thể dẫn đến mất quyền lợi liên quan đến giấy phép lái xe hoặc quyền sở hữu phương tiện, thậm chí nếu không thực hiện việc nộp phạt, người vi phạm sẽ không được phép điều khiển phương tiện, đối diện nguy cơ bị phạt rất cao nếu cố tình vi phạm, khi đó, người vi phạm sẽ có động lực tuân thủ quy định hơn.
Tuy nhiên, biện pháp này chỉ phù hợp với những người có nhu cầu sử dụng phương tiện hoặc giấy phép lái xe. Với những người không cần hoặc không sử dụng xe nữa, biện pháp này có thể không đủ mạnh để thúc đẩy họ nộp phạt.
Bởi vậy, bên cạnh các biện pháp răn đe về quyền đăng ký phương tiện, cấp đổi giấy phép lái xe, coi đó là một biện pháp mạnh, đã lường trước và tính toán đến khả năng người vi phạm không đến chấp hành quyết định xử phạt, cũng cần rút ngắn quy trình đấu giá phương tiện tạm giữ bị tồn đọng, qua đó vừa giảm áp lực cho các bãi tạm giữ, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Bởi với quy trình hiện nay, nếu xác định được người chủ sở hữu phương tiện, thì để tịch thu phương tiện phải mất hơn một tháng. Còn nếu không xác định được chủ sở hữu, thời gian này sẽ kéo dài hơn một năm. Đó là chưa kể các thủ tục để đấu giá phương tiện bị tịch thu cũng mất khá nhiều thời gian.
Bởi vậy, để giảm số phương tiện bị tồn đọng, cần đơn giản hóa quy trình đấu giá, trong đó, xây dựng quy định rõ ràng, quy định cụ thể về thời gian giữ xe tối đa trước khi bị tịch thu, đưa ra đấu giá, tránh tình trạng xe bị lưu kho quá lâu, làm giảm giá trị sử dụng của phương tiện. Đồng thời công khai thông tin về phương tiện được đấu giá, bao gồm tình trạng, giá khởi điểm và thời gian đấu giá, nhằm đảm bảo sự nh bạch và tăng tính cạnh tranh.
Ngoài ra, khi biển số định danh ngày càng được áp dụng triệt để, việc xác định chủ xe ngày càng thuận lợi, thì cần gắn trách nhiệm của chủ xe, chủ phương tiện trong việc chấp hành quyết định xử phạt. Bởi theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi năm 2020, người vi phạm ngoài việc bị tính lãi 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt chưa nộp, họ còn bị khấu trừ vào tiền lương, thu nhập để cưỡng chế nộp phạt.
Việc ngăn chặn tình trạng người vi phạm bỏ xe, không chấp hành quyết định xử phạt đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, và ý thức trách nhiệm từ mỗi công dân. Những giải pháp như không cho cấp đổi giấy phép lái xe, không cho sang tên đổi chủ, kết hợp với việc cải tiến thủ tục đấu giá phương tiện tồn đọng, nếu được triển khai đồng bộ, sẽ mang lại hiệu quả lâu dài, góp phần nâng cao kỷ cương kỷ luật và xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật.